Xã hội

Những ước nguyện cuối đời của cha mẹ liệt sĩ Gạc Ma

Video: Nỗi nhớ con 30 năm của cha mẹ liệt sĩ Gạc Ma

Mẹ liệt sĩ Gạc Ma Nguyễn Văn Hoá muốn vào Khánh Hoà bốc nắm đất làm mộ gió cho con, nhưng tuổi già sức yếu, mẹ qua đời khi ước nguyện chưa thành.

Đầu tháng ba năm 2018, bà Nguyễn Thị Út, mẹ liệt sĩ Gạc Ma Nguyễn Văn Hoá, trú xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) qua đời, hưởng thọ 86 tuổi.

Theo gia đình, mẹ Út về với đất, mang theo ước nguyện cuối cùng là bốc được nắm đất ở Khánh Hoà để làm ngôi mộ gió cho con trai.

Chồng mất khi con còn nhỏ, một mình bà Út tần tảo, nhặt từng củ khoai sắn nuôi năm chị em khôn lớn. Người con trai út là liệt sĩ Hoá, có vóc người to cao, đẹp trai và rất thương cha mẹ. Năm 1992, trận lụt lớn cuốn trôi căn nhà của bà Út, cuốn luôn tấm bằng Tổ quốc ghi công và thư của liệt sĩ Hoá gửi về gia đình.

Chị Nguyễn Thị Toàn, con gái của mẹ Út, nói nhiều năm qua, nhờ các đoàn về thăm và tặng quà, mẹ Út tiết kiệm được 50 triệu đồng nhưng không dám tiêu pha gì. “Mẹ nói để dành vào Khánh Hòa, bốc nắm đất về hương khói cho anh”, chị Toàn nói.

“30 năm qua, mẹ canh cánh làm ngôi mộ gió để thờ anh. Bốn tháng cuối đời, mẹ đau không đêm nào ngủ được. Hàng đêm, trở mình là mẹ nhắc đến anh Hoá”, chị Toàn nói.

Chị Toàn bàn với ba anh trai, dùng số tiền trên để “lập mộ gió, đưa anh Hoá về cho mẹ thoả mãn”. Theo phong tục địa phương, gia đình đi tới nơi người thân mất, mời thầy làm lễ cầu siêu, nhập hồn người mất vào thân cây dâu tằm lâu năm, rồi đưa về quê quán làm lễ tang.

Những ước nguyện cuối đời của cha mẹ liệt sĩ Gạc Ma
Từ trái qua, di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Hóa, Võ Văn Đức và Hoàng Văn Túy. Ảnh: Hoàng Phương chụp lại

"Gia đình còn khó khăn thì không cần phải lo cho con"

Chung niềm mong mỏi, mẹ liệt sĩ Võ Văn Đức ở xã Liên Thuỷ (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) chưa kịp làm ngôi mộ gió cho con thì đã về với đất vào đầu năm 2018.

“Ngày còn sống, mẹ chỉ mong có mảnh đất làm ngôi mộ gió cho em. Năm ngoái, tôi vừa mua được mảnh đất 300 m2, hy vọng sớm đưa cha và em vào đó cho mẹ được thấy, vậy mà không kịp”, anh Võ Văn Hậu, anh trai liệt sĩ Đức, tiếc nuối.

Anh Hậu kể, ra tết năm 1988, nhận được ít quà gia đình gửi vào đơn vị, anh Đức biên thư về, “gia đình còn khó khăn thì không cần phải lo cho con, con đã có nhà nước lo ngày ba bữa, ba mẹ yên tâm”. Ít ngày sau khi nhận thư, gia đình nghe tin 64 chiến sĩ mất tích ở đảo Gạc Ma, trong đó có anh Đức.

Gia đình chỉ có hai anh em trai, năm 2003, anh Hậu xin nghỉ công nhân để về quê phụng dưỡng mẹ già. Anh kể cha anh vì nhớ nhung con trai hy sinh trong sự kiện Gạc Ma, nhiều đêm không ngủ được nên sức khỏe suy yếu dần, mất năm 1999. 

"Cảnh nhà làm nông, bòn mót nhiều năm liền để gắng thực hiện mong ước cuối đời của mẹ. Bây giờ thì đành chờ mẹ tròn năm rồi đưa cha mẹ cùng em trai vào khuôn viên trên để được đoàn viên", anh Hậu xót xa nói.

Mâm giỗ chung

Sống trong niềm mong nhớ, nhiều năm qua, cứ vào ngày 27 tháng Giêng, ông Hoàng Dỏ, trú xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) lại làm mâm giỗ chung cho con trai là liệt sĩ Hoàng Văn Tuý cùng 63 đồng đội.

Mâm giỗ đơn sơ, nhưng có đến 64 cái bát, 64 đôi đũa, cho tất cả liệt sĩ đã ngã xuống. “Thương con, tôi làm mâm cúng, rồi mời đồng đội con cùng về”, ông Dỏ nói. Tấm lòng người cha chỉ gói gọn trong ba tuần rượu lạt, một nén hương thơm thắp cho con và đồng đội.

Vừa làm lễ thượng thọ 90 được hai tuần, ông Dỏ nói không biết gắng gượng làm được mấy mâm giỗ nữa, “chỉ mong sớm về với con”.

Nhiều năm trước, có đoàn công tác về lấy mẫu xét nghiệm ADN, hy vọng tìm thấy con trai lại sôi sục trong ông. Ít lâu sau vẫn không nhận được tin báo, ông Dỏ suy sụp hẳn.

Những ước nguyện cuối đời của cha mẹ liệt sĩ Gạc Ma - 1
Cụm tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma ở khu tưởng niệm tại Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc

Trong 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma, chiến sĩ Nguyễn Tiến Doãn ở Ngư Thuỷ Nam (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) có con trai hai tuổi vào thời điểm hy sinh. “Năm lên sáu tuổi, tôi mới ý thức được bố mình là liệt sĩ, hy sinh vì đất nước”, anh Nguyễn Đình Thế, con trai liệt sĩ Doãn, nói.

Mẹ liệt sĩ Doãn là bà Trần Thị Dắc, nay 86 tuổi, sức khỏe đã yếu phần nào. Sau năm 1988, gia đình làm lễ triệu hồn nhập cốt rồi làm mộ gió cho liệt sĩ Doãn. “Tôi vừa xúc động, vừa tự hào, nhưng mất mát thì ai cũng đau xót. Gia đình chỉ mong tìm được hài cốt cha, đưa về quê hương cho thoả mãn, cũng là ước nguyện cuối đời của bà nội”, con trai liệt sĩ Doãn tâm sự.

Năm nay 33 tuổi, anh Thế hiện là cán bộ địa chính của xã Ngư Thuỷ Nam, nơi anh sinh ra và lớn lên.

Trong 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma, Quảng Bình có 13 liệt sĩ. Chỉ ba người quê Quảng Bình được đưa di hài về đất liền. Nhiều gia đình đã lập mộ gió cho con, nhưng nhiều cha mẹ, sau 30 năm vẫn ngóng chờ…

Sáng 14/3/1988, khi các chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản.

Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền.

Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988.

64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm từ đó.

Theo Hoàng Táo (VnExpress.net)