Xã hội

Những sự kiện đáng chú ý nhất của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

Sau 23 ngày làm việc, ngày 20.11, Quốc hội đã bế mạc kỳ họp thứ 6. Trong kỳ họp này Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề rất quan trọng. Dân Việt điểm lại những nội dung đó.

Những sự kiện đáng chú ý nhất của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước ngày 23.10.2018 (ảnh Lê Hiếu).

Bầu Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước và phê chuẩn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông

Ngay trong ngày đầu tiên làm việc, Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự. Với tỷ lệ phiếu tán thành rất cao (99,97%), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu làm Chủ tịch nước (ngày 23.10.2018). Tân Chủ tịch nước đã tuyên thệ nhậm chức.

Ngay sau nội dung bầu Chủ tịch nước, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn. Tiếp đó, Quốc hội đã phê chuẩn, bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Những sự kiện đáng chú ý nhất của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV - 1
Tổng thống Ấn Độ đến thăm và phát biểu tại phiên họp của Quốc hội Việt Nam (ảnh quochoi.vn).

Tổng thống Ấn Độ phát biểu trước Quốc hội Việt Nam

Đúng vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Tổng thống Ấn Độ Shri Ram Nath Kovind trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (từ 18 đến 20.11- đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu và cũng là chuyến thăm đầu tiên đến khu vực châu Á của Tổng thống Ấn Ðộ từ khi ông nhậm chức tháng 7.2017) đã có bài phát biểu trước Quốc hội.

Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9.2016, quan hệ song phương đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả.

Những sự kiện đáng chú ý nhất của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV - 2
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao (ảnh IT).

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

Sau công tác nhân sự, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn gồm: 18 người bên cơ quan Quốc hội, 26 thành viên Chính phủ và Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu về tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao (437 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 90,1%) tổng số đại biểu Quốc hội); số phiếu tín nhiệm: 34 phiếu (chiếm 7,01%); số phiếu tín nhiệm thấp: 4 phiếu (chiếm 0,82%).

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất, đứng trên ông Nhạ là Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể.

Những sự kiện đáng chú ý nhất của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV - 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ảnh IT).

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn tổng thể

Từ ngày 30 đến 1.11.2018 (3 ngày) Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 (chất vấn tổng thể). Tổng cộng đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và có 82 lượt đại biểu tranh luận, các thành viên Chính phủ, trong đó có 19 Bộ trưởng, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.

Những sự kiện đáng chú ý nhất của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV - 4
100% đại biểu Quốc hội có mặt đã tán thành quyết biểu thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP (ảnh quochoi.vn).

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Việc Quốc hội sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đồng thời, việc này khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như trên trường quốc tế.

Những sự kiện đáng chú ý nhất của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV - 5
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi- ảnh quochoi.vn).

Thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Đây là đạo luật để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, nhằm góp phần làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được các phương án nên Luật đã bỏ quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Ngoài ra Quốc hội còn thông qua 9 luật và nhiều nghị quyết quan trọng khác.

Theo Lương Kết (Dân Việt)