Xã hội

Những chuyện xúc động trong Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Một cụ già 90 tuổi chống gậy, nắm tay vợ đến Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Một bà mẹ bế con nhỏ từ Thái Bình lên tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Một cựu chiến binh rưng rưng nước mắt hy vọng được viếng và nhìn thấy Chủ tịch nước lần cuối… Đó là những câu chuyện xúc động mà chúng tôi ghi nhận tại Lễ Quốc tang.

Những chuyện xúc động trong Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Cụ Trần Tiếp Thủy (82 tuổi, ở Bắc Giang) bật khóc trong lúc chờ vào bên trong Nhà tang lễ Quốc gia để thắp nén nhang tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Diệu Bình

Cả làng xuống Hà Nội để tiễn đưa Chủ tịch nước

5h30 sáng 26/9, tại khu vực Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), PV Báo Gia đình & Xã hội bắt gặp nhiều người dân có mặt từ rất sớm để chứng kiến lễ thượng cờ rủ. Giữa không khí trang nghiêm trong ngày đầu Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhiều người đã bày tỏ sự xúc động.

Bà Nguyễn Thị Lan (76 tuổi đến từ Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Do không thể tham gia viếng tại Nhà tang lễ Quốc gia nên gia đình tôi đến đây từ rạng sáng để tưởng nhớ Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhìn hình ảnh trên lá cờ đỏ có buộc dải băng đen mà chồng tôi - một cựu chiến binh đã không cầm được nước mắt”.

Tại Nhà tang lễ Quốc gia, cụ Nguyễn Hữu Lâm (90 tuổi, cán bộ hưu trí) cho biết, vợ chồng cụ đi bộ từ nhà đến đây để tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Dù không phải họ hàng với Chủ tịch nước nhưng cụ vẫn đeo khăn tang, băng đen để tưởng niệm như đã mất đi người thân trong gia đình.

Những chuyện xúc động trong Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang - 1
Bác Vũ Hữu Hiệu (62 tuổi, quê Hải Dương) dậy từ 5h sáng đi xe buýt từ Hải Dương lên Hà Nội để viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Không khí trầm mặc của người dân trước cổng Nhà tang lễ Quốc gia. Người dân đến viếng từ nhiều địa phương trên cả nước. “Tôi nhờ cháu nội chở xe máy lên Hà Nội từ chiều 25/9. 6h sáng 26/9, hai bà cháu đã đến cổng chính Nhà tang lễ Quốc gia để chờ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chiều cùng ngày, tôi về Ninh Bình - quê hương của Chủ tịch nước để đưa tiễn ông vào ngày 27/9. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, đây là những gì tôi có thể làm để bày tỏ sự kính trọng đối với Chủ tịch nước Trần Đại Quang”, bà Hoàng Thị Vân (72 tuổi, ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bày tỏ.

Cũng tương tự, ông Vũ Hữu Hiệu (62 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương) dậy từ 5h sáng 26/9, đi xe buýt từ Hải Dương lên Nhà tang lễ quốc gia với ước mong được vào thắp nén nhang tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Đáng lưu ý, có những đoàn hàng trăm người dân trong một làng cũng xuống Hà Nội để tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông Đỗ Văn Kiệm (82 tuổi, ở Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Đoàn chúng tôi khoảng 300 người, đi xuống đây từ hôm 25/9. Sáng 26/9, chúng tôi có mặt ở Nhà tang lễ quốc gia từ rất sớm để đưa tiễn Chủ tịch nước”.

Vinh dự và cảm kích

Những chuyện xúc động trong Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang - 2
Hơn 1.000 đoàn viên thanh niên Thủ đô tham gia phục vụ Quốc tang.

Tại các ngã tư, hàng trăm đoàn viên Thành đoàn Hà Nội đã có mặt để phục vụ người dân vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nước, ô, quạt giấy… đã được chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ người dân nào tham gia đoàn viếng có nhu cầu.

Chị Lê Thanh Hương, đoàn viên của Ban Tổ chức kiểm tra Thành đoàn Hà Nội cho biết, hơn 5h sáng 28/9, các đoàn viên đã có mặt tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia để chuẩn bị quạt giấy, nước… phục vụ người dân và các lực lượng phục vụ tang lễ. Mỗi nhóm bố trí khoảng 15 đoàn viên, được phân công chốt tại các ngã tư đường quanh khu vực Nhà tang lễ để phục vụ. Kế hoạch triển khai kéo dài đến hết ngày 27/9, chia làm 3 ca, sáng - trưa - chiều đến 19h tối. Thành phần tham gia phục vụ tang lễ ở ngoài là các đoàn viên của các quận nội thành và các trường đại học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dù công việc khá bận rộn nhưng các bạn trẻ đều bày tỏ sự xúc động cũng như vinh dự vì được góp sức tham gia Lễ Quốc tang đầy trang nghiêm.

Cảm xúc khi tham gia bảo vệ an ninh trật tự lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Bùi Đình Chiến - lực lượng dân quân tự vệ phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm kích và quý trọng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chủ tịch nước từ trần, tôi cũng như nhiều người dân đều cảm thấy rất buồn. Được cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tang lễ Chủ tịch nước, chúng tôi cảm thấy vinh dự”.

Nhiều quốc gia treo cờ rủ vĩnh biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Tại Phủ Chủ tịch nước Cộng hòa DCND Lào, đúng 6h sáng 26/9, trong không khí trang nghiêm, Quốc kỳ Lào đã được hạ xuống 1/2 cột theo nghi thức quốc tang. Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Lào đã ra Thông báo gửi thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Đô trưởng Thủ đô Vientiane và tỉnh trưởng các tỉnh trên cả nước, về việc tổ chức quốc tang hai ngày tưởng nhớ đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã ban hành công điện tới tất cả các cơ quan nhà nước trên khắp vương quốc Thái Lan đề nghị treo cờ rủ để tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ngày 24/9 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cũng đã tới viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok.

Những chuyện xúc động trong Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang - 3

Hai trong số những người may mắn được Chủ tịch nước Trần Đại Quang hỏi thăm và chúc Tết Mậu Tuất 2018 là GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn và KTS Nguyễn Trực Luyện.

Khi nhận tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, KTS Nguyễn Trực Luyện vừa được con cháu đón từ bệnh viện trở về nhà, sau khoảng thời gian dài nằm viện vì cú ngã ngoài hành lang, khiến ông sụt đốt sống. Trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội, KTS Nguyễn Trực Luyện ngậm ngùi: “Tôi sốc khi nhận tin buồn. Tôi mới gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Thời gian trôi thật nhanh, mà ấn tượng về Chủ tịch nước thì vẫn còn đó”.

KTS Nguyễn Trực Luyện nhớ lại: “Hôm cận Tết, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bất ngờ đến thăm tôi. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Chủ tịch nước. Tôi tiếp Chủ tịch nước trong phòng khách. Tôi ấn tượng khoảnh khắc con dâu tôi đem nước ra mời và tôi giới thiệu thì Chủ tịch nước bảo: “Con dâu bác cũng như là con tôi”. Tôi nói ra cảm xúc từ đáy lòng của mình và định nói một số chuyện riêng nữa, nhưng Chủ tịch nước nói: “Tôi biết cả rồi, bác chỉ cần giữ gìn sức khoẻ thật tốt thôi”. Tôi có cảm giác rằng, trước khi xuống đây, Chủ tịch nước đã nghe rành mạch về tôi vậy, nên chưa kịp nói gì mà ông đã thấu hiểu tất cả”.

Còn GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Công trình khoa học vũ trụ Nhà nước nghẹn ngào nhớ lại: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến với gia đình tôi vào ngày 28 Tết - thời điểm mà ông đang rất bận. Tôi may mắn được tiếp xúc 2 lần. Lần đầu là dịp Chủ tịch nước đến thăm Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, sau đó vài tháng là cuộc gặp chúc Tết gia đình tôi. Hôm đó, vừa vào đến nhà tôi, Chủ tịch nước đã nói: “Chào Giáo sư, hôm nay tôi đến chúc Tết, gặp lại Giáo sư rất là vui”. Chứng tỏ Chủ tịch vẫn nhớ là đã gặp tôi rồi, còn gọi tôi là Giáo sư và xưng tôi. Tôi thấy thật sự ấm áp”.

“Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Chủ tịch nước quan tâm lắm. Chủ tịch nước nói rằng, nếu không đi trước đón đầu, không tranh thủ những tiến bộ khoa học công nghệ, thì đất nước không thể chủ động bứt phá trên con đường phát triển. Đó cũng là những tâm tư mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi gắm đến anh em làm khoa học chúng tôi. Hai lần gặp là hai lần tôi đều ấn tượng với Chủ tịch nước. Bởi lẽ, ông là một lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và có những chỉ đạo rất ngắn gọn nhưng cô động, súc tích”. `

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)