Xã hội

Nhiều người đi đăng ký kết hôn, khai sinh phải đóng tiền ngoài quy định

Theo khảo sát của Bộ Nội vụ, nhiều người dân phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định trong một số lĩnh vực, gồm làm giấy khai sinh và đăng ký kết hôn.

Theo khảo sát của Bộ Nội vụ, nhiều người dân phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định trong một số lĩnh vực, gồm làm giấy khai sinh và đăng ký kết hôn.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, SIPAS 2015 thực hiện đối với 6 thủ tục hành chính gồm: Cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực.

nhieu-nguoi-di-dang-ky-ket-hon-khai-sinh-phai-dong-tien-ngoai-quy-dinh
Chủ tịch Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc công bố SIPAS 2015.

Kết quả cho thấy, cả 6 lĩnh vực đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí phải nộp theo quy định của Chính phủ. Trong đó, quy định khi làm giấy khai sinh và đăng ký kết hôn không thu phí, nhưng qua khảo sát lấy ý kiến, số người đi làm giấy khai sinh phải nộp thêm tiền chiếm tỷ lệ cao nhất với 28%, sau đó là số người đi làm giấy đăng ký kết hôn với 22%.

Tỷ lệ người dân phải đóng thêm tiền ngoài quy định ở các lĩnh vực làm chứng minh nhân dân là 5%, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 10%, giấy phép xây dựng nhà ở 8%, chứng thực 6%. 

Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần vẫn diễn ra. Cụ thể, 36% người đến làm giấy tờ về quyền sử dụng đất phải quay lại 1-2 lần. Tỷ lệ này ở những người đến làm thủ tục xây dựng nhà ở là 16%, chứng thực 10%...

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tỷ lệ cảm thấy hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở 6 lĩnh vực nằm trong khoảng 73,7% đến 89,8% số người được hỏi. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là lĩnh vực nhận được đánh giá thấp nhất.

Thông tin phục vụ việc đánh giá của SIPAS 2015 được thu thập thông qua điều tra xã hội học theo hình thức phát phiếu khảo sát đến 15.120 người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính tại 108 xã của 3 thành phố và 7 tỉnh (Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tây Ninh và Cà Mau).

Tại buổi công bố, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho hay, chương trình cải cách hành chính tổng thể đất nước giai đoạn 2011-2020 đặt ra yêu cầu lớn là đến năm 2020, có 80% người dân hài lòng về sự phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp.

"Người dân bầu ra hệ thống chính quyền các cấp, là người có quyền được hưởng những dịch vụ mà hệ thống chính quyền cung cấp theo Hiến pháp, luật pháp cam kết đem lại", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo Hoàng Thuỳ (VnExpress.net)