Xã hội

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và chuyến đi đặc biệt tới nước Mỹ

Trong thời gian ông Lê Đức Anh giữ cương vị Chủ tịch nước, Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, gia nhập ASEAN, khởi động quá trình hội nhập quốc tế. Và Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng chính là nguyên thủ Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam, khi ông tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc tại New York năm 1995.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và chuyến đi đặc biệt tới nước Mỹ
Tác phẩm "Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm hỏi ông Boby Muller, cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam" của tác giả Phạm Cao Phong, đạt giải 3 cuộc thi ảnh "Quan hệ Việt-Mỹ và nước Mỹ qua ống kính của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam". Ảnh chụp năm 1995, tại Newyork.

Từng là người phiên dịch cho các lãnh đạo cao cấp thời điểm Việt Nam bình thường hoá quan hệ với các nước lớn và khởi động quá trình hội nhập quốc tế, Đại sứ Phạm Sanh Châu bắt đầu phiên dịch cho Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ năm 1993 và nhiều nhất là vào giai đoạn 1995-1997. Được sự đồng ý của Đại sứ Phạm Sanh Châu, Dân Việt xin được chia sẻ một phần những kỷ niệm của ông về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.  

Trong số 10 nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam mà Đại sứ Phạm Sanh Châu được phục vụ với tư cách phiên dịch viên, Chủ tịch Lê Đức Anh đã để lại trong ông một dấu ấn hoàn toàn riêng biệt. Thứ nhất, ông rất cao lớn, bề thế, tướng mạo lừng lững. Là vị Đại tướng kinh qua nhiều năm tháng trận mạc, ông tạo ra một uy rất lớn của người lãnh đạo. Thứ hai, ông nói rất ít. Câu ngắn, ít từ, nhưng rất xúc tích.

“Trước khi nói, hoặc giữa các câu, thời gian lặng để ông chọn ra từ thích hợp rất lâu. Trong khi đó, ông Võ Văn Kiệt thường chỉ nói đại ý, ý ra trước từ ra sau, tôi phải hiểu ý ông để triển khai chuyển tải thành mạch câu. Ông Đỗ Mười thì nói hóm hỉnh, gần gũi, dân gian và hay pha trò.

Do cách diễn đạt của ông Lê Đức Anh, người nghe rất hồi hộp xem ông nói gì. Nhờ có thời gian làm quen với tư duy của ông nên khi ông nói ra tôi hiểu ngay ý ông. Tôi chỉ việc tìm từ hợp lý để dịch. Những câu nói của ông Lê Đức Anh rất sâu sắc và tôi cảm thấy sự từng trải của một người lính dày dạn trận mạc”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhớ lại.

Một dấu ấn khác trong ký ức của Đại sứ Phạm Sanh Châu mỗi khi nhắc tới Chủ tịch Lê Đức Anh, đó là mỗi lần nói chuyện với từng đối tượng khác nhau, ông luôn có cách nói khác nhau.

Ông Châu cho biết: “Khi nói chuyện, ông luôn ngồi suy nghĩ xem ứng xử thế nào cho thích hợp, đưa ra ý kiến cá nhân của ông, bên cạnh việc sử dụng các kiến nghị phát biểu do các cơ quan chức năng chuẩn bị. Tôi rất thích ông ở đặc điểm này”.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và chuyến đi đặc biệt tới nước Mỹ - 1
Nhân dịp tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hợp Quốc (1945-1995), chiều 25.10.1995, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Newyork (Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký LHQ Boutros Boutros-Ghali. Ảnh: Cao Phong-TTXVN

Là vị lãnh đạo cấp cao phụ trách ba ngành: an ninh, quốc phòng và ngoại giao, trong thời gian ông Lê Đức Anh giữ cương vị Chủ tịch nước, Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, gia nhập ASEAN, khởi động quá trình hội nhập quốc tế. Và Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng chính là nguyên thủ Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam, khi ông tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc tại New York năm 1995.

Chuyến đi của Chủ tịch Lê Đức Anh diễn ra trong bối cảnh Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ vào tháng 7 và chưa bổ nhiệm Đại sứ,chỉ có Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng Phái đoàn Đại diện của Việt Nam tại New York.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Ngô Quang Xuân đã khóc, khi lần đầu tiên thấy máy bay Việt Nam, do phi công Nguyễn Thành Trung lái, hạ cánh xuống đất, và anh Trung đã vẫy cờ Việt Nam ra từ trong buồng lái, lúc máy bay lăn bánh vào bãi đỗ.

Trong chuyến đi đó, Chủ tịch Lê Đức Anh đã thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng Liên Hiệp Quốc một phiên bản trống đồng, và đã đọc một bài diễn văn rất ý nghĩa. Tổng thư ký LHQ Boutros Boutros-Ghali đã đáp từ bằng một bài diễn văn giàu cảm xúc.

“Cũng trong chuyến đó có một kỷ niệm tôi cho rất sâu sắc, khi Chủ tịch Lê Đức Anh quyết định đi thăm thành phố Harlem, nằm cạnh New York. Đây là thành phố toàn người nghèo, nơi Bác Hồ đã từng đến. Tất cả mọi người đều không đồng ý, kể cả an ninh Mỹ vì không có trong chương trình. Nhưng cái chính là họ sợ không đảm bảo được an ninh vì Harlem có nhiều tội phạm. Tuy nhiên, Chủ tịch Lê Đức Anh đã quyết và mọi người phải nghe theo. 

Vì không có địa chỉ cụ thể, Chủ tịch bảo cứ đi đến khu đó vì ông muốn thăm nơi Bác Hồ đã từng sống. Lúc đến khu vực Harlem, tôi ngồi trên xe với vệ sĩ của đoàn, và thấy tất cả các sĩ quan tháp tùng của Mỹ đồng thời lên đạn hết các loại súng và cho mở tất cả cửa xe trong khi ô tô đang chạy. Họ sẵn sàng nhảy xuống và nổ súng, nếu gặp bất trắc.

Sau đó, Chủ tịch Lê Đức Anh bảo xe dừng lại, ông đi xuống xe và lên vỉa hè đi về phía một người da đen trông rất nghèo khổ. Mọi người nín thở chờ đợi, trong khi ông cứ thản nhiên hỏi chuyện người da đen ấy. Tôi lúc ấy phải đến bên cạnh để dịch. Đúng là ông tướng chiến trường có khác, tôi thầm nghĩ, chẳng coi chuyện mà an ninh Mỹ lo sợ là gì”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nói. 

Theo PV (Dân Việt)