Xã hội

Nguồn phóng xạ bị mất không ảnh hưởng tính mạng con người

Nguồn phóng xạ vừa bị mất ở Nhà máy Xi măng Bắc Kạn rất nhỏ, chỉ có giá vài triệu đồng và không ảnh hưởng tới tính mạng con người.

Nguồn phóng xạ vừa bị mất ở Nhà máy Xi măng Bắc Kạn rất nhỏ, chỉ có giá vài triệu đồng và không ảnh hưởng tới tính mạng con người.

Vài triệu đồng mua được phóng xạ

Theo ông Tấn, Nhà máy Xi măng Bắc Kạn bị phá sản và đã phát mãi nên ngân hàng quản lý toàn bộ đất đai và tài sản trên đất. Quá trình quản lý của cơ quan ngân hàng yếu kém, không chặt chẽ dẫn đến việc một số thiết bị đã mất trộm, trong đó có nguồn phóng xạ này.

Ông Tấn cho rằng, việc mất nguồn phóng xạ là do cục Cs-137 này chỉ có kích thước bằng một hạt đậu nhưng được để trong một bình chì nặng hơn 7 kg. Kẻ trộm thấy kim loại nặng tưởng tài sản có giá trị nên lấy đi. "Việc đặt nguồn phóng xạ này trong bình chì nhằm đảm bảo không thể có phóng xạ ra môi trường, ảnh hưởng đến người xung quanh", ông Tấn lý giải.
 

Biểu trưng cảnh báo bổ sung nhận dạng nguồn phóng xạ do IAEA quy định.

Ông Tấn khẳng định, nguồn phóng xạ Cs - 137 bị mất rất nhỏ, không nguy hại đến tính mạng con người. "Nguồn Cs-137 này được sử dụng trong hoạt động công nghiệp nên mức độ ảnh hưởng thấp so với các nguồn sử dụng ở các cơ sở bức xạ hạt nhân cao. Do đó, không tìm thấy cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng về nguyên tắc phải truy tìm bằng được nhằm giảm thiểu những tác động không đáng có đến người dân", ông Tấn nói.

Dẫn chứng có một số vụ như vụ mất nguồn phóng xạ tại Bà Rịa – Vũng Tàu cách đây vài năm không tìm thấy, ông Tấn cho biết thêm, nguồn phóng xạ này chỉ có giá vài triệu đồng. Các doanh nghiệp mua từ Trung Quốc về lắp đặt cho nhà máy của mình.

Với các nguồn phóng xạ được sử dụng trong doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã có nhiều quy định cụ thể  về cấp phép, quản lý sử dụng. Tháng 7/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị về việc này.
 

Cục trưởng Cục An toàn và bức xạ hạt nhân Vương Hữu Tấn (bìa trái) đến bãi chôn rác Tóc Tiên (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) tìm nguồn phóng xạ bị mất vào thàng 4/2015. Ảnh: Đông Hà/Tuổi Trẻ


80 cơ sở sử dụng phóng xạ

Hiện nay trên cả nước có 24 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ nhóm A (hoạt động phóng xạ mạnh). Phóng xạ được sử dụng nhiều cho việc nghiên cứu, chiếu xạ công nghiệp, xạ trị y tế...

Ngoài ra, ở nước ta có 56 cơ sở sử dụng phóng xạ nhóm B, chủ yếu sử dụng trong công nghiệp. Nhóm phóng xạ này được quan tâm đặc biệt vì tính chất di chuyển nhiều. Đặc biệt, nó được sử dụng trong các nhà máy, công trường nên phải quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm an ninh.

Hàng năm Cục An toàn bức xạ Hạt nhân ban hành giấy phép tiến hành công việc bức xạ, quản lý việc khai báo, thống kê các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ.

Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra trong đó bao gồm thanh tra an ninh nguồn phóng xạ tại cơ sở. Thực hiện việc kiểm soát và xử lý sự cố bức xạ và kiểm tra định kỳ hệ thống an ninh tại các cơ sở có nguồn phóng xạ nhóm A.

Tuy nhiên, những năm vừa qua đã từng xảy ra sự cố mất các nguồn phóng xạ gây nên những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của người dân về công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ.

Điển hình là sự cố mất nguồn phóng xạ của Công ty APAVE tại TP HCM vào tháng 9/2014. Sau đó Bộ KH&CN đã có hàng loạt sửa đổi về quản lý vấn đề này. Tuy nhiên, việc quản lý vẫn còn lỏng lẻo mà điển hình là vụ việc tại Nhà máy Xi măng Bắc Kạn.
 
>> Mất nguồn phóng xạ Cs-137 ở Nhà máy Xi măng Bắc Kạn
 
Theo Minh Quang (Zing.vn)