Xã hội

Người từng bị kết án tử hình sẽ không được đặc xá

Thường vụ Quốc hội cho rằng, người bị kết án tử hình đã ân giảm xuống chung thân thì không nên tiếp tục được hưởng đặc xá.

Ngày 7/11, tại phiên thảo luận về dự án Luật đặc xá (sửa đổi), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết Thường vụ Quốc hội đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người bị kết án tử hình.

Cụ thể, Thường vụ cho rằng, theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người bị kết án tử hình là trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Sau khi bị kết án tử hình, thực hiện chính sách khoan hồng, Chủ tịch nước đã quyết định ân giảm án tử hình cho họ và chuyển xuống hình phạt tù chung thân. Theo quy định tại điều 63 và điều 64 Bộ luật Hình sự, nếu cải tạo tốt, các trường hợp này tiếp tục nhận được chính sách khoan hồng khác như: Được giảm xuống tù có thời hạn và có thể chỉ phải chấp hành 20 năm tù.

"Do đó, nếu dự thảo luật quy định đặc xá với người bị kết án tử hình thì đối tượng này được hưởng quá nhiều chính sách khoan hồng của Nhà nước, như vậy sẽ không bảo đảm tính răn đe", bà Nga nói.

Người từng bị kết án tử hình sẽ không được đặc xá
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Về điều kiện được đề nghị đặc xá, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng chỉ nên giao thẩm quyền cho Chính phủ trong trường hợp liên quan đến đối ngoại, còn các trường hợp khác đã có liên ngành tư pháp trình.

Theo ông Kim, đặc xá là chế định thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và hợp lòng dân, do vậy nên tổ chức việc này vào các ngày lễ lớn của đất nước như Quốc khánh, Tết Nguyên đán và ngày 30/4.

Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình Mai Khanh nói, hiện quy định về các ngày lễ lớn đã có, tuy nhiên như thế nào là "sự kiện trọng đại" và "trường hợp đặc biệt về đối ngoại" thì chưa có giải thích, do vậy cần được làm rõ trong dự thảo Luật.

Ông Khanh nhấn mạnh, thời điểm đặc xá và thẩm quyền xem xét đặc xá của Chủ tịch nước là khác nhau. Việc quy định thời điểm không đồng nghĩa cứ đến thời điểm đó có đặc xá mà do Chủ tịch nước quyết định; thực tế nhiều năm qua đã triển khai như vậy.

Theo chương trình kỳ họp, dự Luật đặc xá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại phiên làm việc sáng 20/11.

Theo Võ Hải (VnExpress.net)