Xã hội

Người miền Trung xa quê mất ngủ ngóng tin bão

Không thể cùng gia đình chống bão, những người con xa quê hướng về miền Trung với tâm trạng thấp thỏm, lo âu.

Không thể cùng gia đình chống bão, những người con xa quê hướng về miền Trung với tâm trạng thấp thỏm, lo âu.

“Cô dạy tôi thời cấp hai, nhà có cây bàng trước cổng vốn là dấu hiệu để học sinh nhận biết. Cây bàng có lẽ gần trăm tuổi lắm. Bao năm qua bão vào quê cô không sợ, lần này cô chỉ e cây bàng kỷ niệm bật gốc trụi cành, tệ hơn là đổ lên mái nhà cấp bốn của thầy cô. Cô nói giờ chỉ mong trời thương”, anh Nam cho biết, cùng lúc nhắn tin cho vài người khác ở quê để hỏi han tình hình.

nguoi-mien-trung-xa-que-mat-ngu-ngong-tin-bao

Tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), người dân đổ ra đường tỉa cành, chặt cây trước bão.

Quê Quảng Bình, Thảo Anh (hiện sống ở Hà Nội) có nhiều ký ức về bão. Trong khi người lớn ngổn ngang trăm bề, trẻ con thường có cách nhìn đơn giản hơn. Cô bạn nhớ lại lúc lăng xăng chuẩn bị nến, phòng khi mất điện. Tâm trạng khi đó xen lẫn háo hức bởi nếu bão cấp 10-11 học sinh sẽ được nghỉ. Mỗi lần như thế, ba mẹ và anh trai cũng ở nhà, cửa đóng kín.

“Giờ mọi người đã chằng cửa ngõ xong xuôi, bật TV theo dõi từng diễn biến cơn bão. Chắc bọn trẻ con cũng đang vui mừng trong lòng giống như mình ngày xưa”, Thảo Anh nói.

Đối với Hoàng Thúy, những ngày bão ở Quảng Bình khi còn là học sinh gắn liền với nỗi lo xe chập điện, chết máy giữa mênh mông sóng nước, là cảm giác lết được về đến nhà sau mấy đợt gió quăng quật, mưa như tát vào mặt.

“Cơn bão Wutip của mấy năm trước khiến gia đình tôi điêu đứng suốt một thời gian. Tuy nhiên, bão cũng để lại nhiều kỷ niệm thú vị. Những ngày mưa giữa mùa bão, cả nhà luộc một nồi khoai lang hay đậu phộng rồi trùm mền ngồi tán dóc”, Thúy chia sẻ.

Hiện sống ở TP HCM, không thể cùng gia đình như những ngày trước, Thúy lo lắng khi nghe kể mưa đang lớn dần, sóng điện thoại ở nhà bắt đầu chập chờn.

Sang Nga từ tám năm trước, anh Quang Trung vẫn có kỷ niệm “nhớ đời” với mùa bão năm ngoái ở Hà Tĩnh, khi về quê lấy vợ. “Tôi vừa cưới hôm 11/9 thì 5h sáng 12/9 bão vào, cả nhà phải dậy để hạ phông rạp, nghĩ bụng may không phải hoãn sự kiện quan trọng trong đời”, anh Trung chia sẻ.

Nghiên cứu sinh ở Sankt-Peterburg còn ấn tượng những lần giúp nhà hàng xóm xúc lúa vào bao tải để chuyển lên cao, bắt gà lợn đi tránh lụt. Năm nay, khi trời Nga đang mưa tầm tã, anh mở báo mạng đọc tin và biết bão cấp 12 đang hướng thẳng về quê nhà. Anh chỉ biết hy vọng cả nhà chống bão cẩn thận và mọi chuyện sớm ổn.

Anh Lê Ngọc Sơn (Hà Tĩnh), nghiên cứu sinh ở Đức cũng thấp thỏm khi hay tin bão về miền Trung. “Ngoài những kỷ niệm trong trẻo, tuổi thơ tôi còn gắn liền với những ngày cả nhà chống bão. Hồi đó, nhà nào cũng có đèn dầu Hoa Kỳ, mua thêm dầu, thêm bấc để phòng mất điện lâu ngày. Hồi đó, phương tiện truyền thông chưa phát triển, tivi còn chẳng có, cả xóm được 1-2 cái radio, nên nhà này í ới nhà kia cập nhật thông tin. Có những đêm ôm nhau chờ bão tới trong nỗi sợ”, anh nhớ lại.

nguoi-mien-trung-xa-que-mat-ngu-ngong-tin-bao-1

Người miền trung xa quê hướng về bão.

Ngày ấy, quê nghèo xác nghèo xơ, nên nhà nào cũng phải gia cố mái (thường là tranh) để khỏi bị bão tốc. Những cây tre, bạch đàn, phi lao lớn quanh nhà được hạ ngọn để tránh nguy cơ đổ hay quật vào nhà. Nhà nào cũng sẵn vại dưa cà muối để ăn qua đận bão. Nhà anh ở cạnh nhà ông bà nội. Ông nội và cha sau khi dọn dẹp đón bão cho nhà mình thì đi quanh xóm xem nhà nào cần giúp đỡ. Mẹ và bà nội thì lo dự trữ thức ăn cho cả nhà.

Ký ức về bão đối với anh Sơn còn là những bữa ăn thiếu thốn dinh dưỡng. Có lần, sau một cơn bão lớn, mấy nhà hàng xóm bị cuốn hết mái, tan hoang. Gia đình anh phải đào những gốc cây chuối bị bão đốn ngã, lấy gốc cắt ra xào ăn với cơm. Có đận sau bão, cả làng đói triền miên, ăn khoai xéo (khoai đã thái thành lát, phơi khô nấu lên) thay cơm.

“Nghĩ về tuổi thơ và những cơn bão, khóe mắt còn cay xè, ướt nhèm kỷ niệm. Cầu mong cho dân quê tôi mạnh mẽ, cơn bão tan nhanh…”, anh chia sẻ.

Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines, Doksuri đã vượt qua quần đảo này, vào biển Đông sáng 13/9 với sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8). Là cơn bão trẻ, không gặp cản trở lớn, bão tăng cấp rất nhanh.

Đến sớm 14/9, bão tăng thành cấp 10 và tối cùng ngày mạnh cấp 12 (133 km/h). Đây là cơn bão mạnh nhất từ năm 2014 đến nay, cấp độ rủi ro thiên tai 4, có thể làm đổ nhà cửa, cây cối, cột điện, vỡ đê không kiên cố...

Theo Thùy Linh (VnExpress.net)