Xã hội

Người đàn ông ở Nghệ An chế tạo "máy bay trực thăng"

Ông Thỏa đang mày mò lắp ghép một mô hình động cơ mà ông gọi là 'trực thăng mini' để dùng vào việc phun thuốc trừ sâu, tham gia chữa cháy rừng.

 
Ông Thỏa đang mày mò lắp ghép một mô hình động cơ mà ông gọi là 'trực thăng mini' để dùng vào việc phun thuốc trừ sâu, tham gia chữa cháy rừng.

Vốn là chủ một xưởng cơ khí, hồi tháng 8/2015 vào mạng xã hội, ông Thỏa xem video quay cảnh một cụ già (70 tuổi) ở nước ngoài chế tạo thành công chiếc trực thăng và tự điều khiển. Xem xong, ông thốt lên: “Sao họ làm được mà mình không làm được nhỉ”.

Nghĩ tới việc có một chiếc máy bay trực thăng để phục vụ bà con phun thuốc trừ sâu thay vì mang bình phun mini trên lưng ảnh hưởng tới sức khỏe, hoặc dùng vào chữa cháy rừng, ông Thỏa quyết tâm thực hiện.

nguoi-dan-ong-tu-che-tao-truc-thang-lo-bi-tuyt-coi-khi-bay-thu-nghiem

Tổng thể máy bay trực thăng mà ông Thỏa đang lắp ghép ở xưởng. Ảnh: Hải Bình.

Rong đèn thức trắng nhiều đêm, người đàn ông 50 tuổi tự tay vẽ bản thiết kế trên giấy A4 rồi âm thầm thực hiện mà không thông báo với vợ con. Để hỗ trợ công việc, ông chỉ chọn một thợ lành nghề trong xưởng cơ khí của mình làm trợ lý.

Với kiến thức được đào tạo ở trường hạ sĩ quan sửa chữa vũ khí và kinh nghiệm 25 năm làm nghề sửa chữa xe máy, ôtô, máy nổ, máy công trình..., ông Thỏa cùng trợ lý tự chế tác, lắp ghép động cơ và các phụ kiện của chiếc trực thăng.

Ông chủ xưởng cơ khí đã mua chiếc xe Toyota loại 4 chỗ hết niên hạn sử dụng, lấy động cơ của xe này chế thành động cơ máy bay. Còn bánh máy bay là 3 chiếc bánh mới của xe máy Attila. Các bộ phận khác như phanh, hệ thống lái cánh đuôi, bộ phận điều khiển cánh nâng trên, đồng hồ công tơ mét, đèn, gương, ghế ngồi, bánh lái, đuôi máy bay... hầu hết được ông tìm kiếm, mua lại từ các cửa hàng đồng nát. Có những phụ kiện không mua được thì ông tự mày mò chế tác. 

Theo chủ nhân, máy bay dài 3,5 m, cao 2,7 m, điểm rộng nhất của thân là 2,2 m, quạt nâng nằm trên đỉnh máy bay có độ sải cánh 5 m, đuôi có in hình lá cờ tổ quốc... Theo thiết kế, khi cất cánh thành công, máy bay có thể đạt độ cao tối đa 300 m, tốc độ tối đa theo tính toán có thể đạt 100 km/h và nhiên liệu để hoạt động liên tục trong 3 giờ. Máy bay cũng có thể mang được khoảng 2 tạ vật dụng đi theo. Ước tính chi phí khi hoàn thiện máy bay là 120 triệu đồng.

"Tôi rất muốn sử dụng các loại động cơ, phụ kiện mới, nhưng vì kinh phí không có nên đành tận dụng đồ đồng nát. Nếu dùng phụ kiện mới, chi phí cho máy bay sẽ lên tới gần 400 triệu đồng", ông Thỏa nói.

nguoi-dan-ong-tu-che-tao-truc-thang-lo-bi-tuyt-coi-khi-bay-thu-nghiem-1

Động cơ xe Toyota mà ông Thỏa tận dụng làm động cơ chiếc trực thăng của mình. Ảnh: Hải Bình.

Bộ phận quan trọng nhất để máy bay có thể cất cánh, theo ông Thỏa, đó là các chi tiết ruột xoắn của đầm dùi thông qua hệ thống bánh răng giảm tốc trên đỉnh cánh. Với hệ thống này, phi công sẽ điều khiển từ chuyển động ngang sang chuyển động dọc cho cánh máy bay hoạt động và có thể bẻ góc lái.

Hiện tại, ông Thỏa cho rằng máy bay đã hoàn thiện 70% và chạy thử ở “đường băng”. Hơn một tháng trước, ông Thỏa cùng nhóm công nhân đưa máy bay đi khởi động thử. "Hôm đó tôi trực tiếp làm phi công, điều khiển máy bay chạy tốc độ 70 km/h trên đường", ông Thỏa nói và cho biết không cho phép bất cứ ai khác ngồi lên ghế điều khiển máy bay.

Trong lúc khởi động thử thì bộ phận cánh quạt đẩy bị gãy do chất liệu chưa đạt yêu cầu. Thời gian tới ông sẽ nghiên cứu để chế tạo cánh quạt có chất liệu phù hợp.

Dự kiến tới cuối năm 2016, máy bay sẽ hoàn thiện và đưa vào thử nghiệm. "Trước khi bay thử nghiệm lên không trung thì máy bay sẽ được bay ở một điểm cố định để khẳng định độ an toàn và thời gian vận hành. Theo đó, máy bay sẽ được cố định bằng ba dây cáp để bay cách mặt đất chừng 3-4 m trong thời gian vài giờ đồng hồ", ông Thỏa nói.

Chế tạo máy bay từ niềm đam mê tìm tòi, ông Thỏa thừa nhận chưa trình báo lên cơ quan chức năng để xin phép nên tỏ ra lo lắng không biết lúc thử nghiệm có bị "tuýt còi" hay không.

nguoi-dan-ong-tu-che-tao-truc-thang-lo-bi-tuyt-coi-khi-bay-thu-nghiem-2

Ông Thỏa trên chiếc máy bay. Ảnh: Hải Bình.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho hay chưa biết thông tin việc ông Thỏa sáng chế máy bay vì chưa nhận được trình báo. Thời gian tới, huyện sẽ trực tiếp xuống xem xét cụ thể việc làm này có phù hợp hay không.

Nói về ý tưởng của ông Thỏa, Chủ tịch huyện cho rằng đó là ý tưởng tốt và đáng trân trọng. Nhưng để chế tạo một sản phẩm như vậy khi đưa vào thử nghiệm thì phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, cũng bày tỏ trân trọng những người đam mê sáng tạo, tuy nhiên một sản phẩm chế tạo máy bay như ông Thỏa đang thực hiện thì phải được cấp phép, phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trước khi đưa vào thử nghiệm.

Theo Hải Bình (VnExpress.net)