Xã hội

Người dân đội mưa đến viếng Anh hùng Lao động Hồ Giáo

Sáng 15/8, TP.Quảng Ngãi mưa như trút nước nhưng vẫn không cản bước người dân đến thắp nén hương thơm tưởng nhớ Anh hùng Lao động Hồ Giáo.

Sáng 15/8, TP.Quảng Ngãi mưa như trút nước nhưng vẫn không cản bước người dân đến thắp nén hương thơm tưởng nhớ Anh hùng Lao động Hồ Giáo.

Lúc 11h, ngày 15/10, tại nhà riêng của Anh hùng Lao động Hồ Giáo (ở số 199/18, đường Bùi Thị Xuân, TP. Quảng Ngãi) gia đình và người thân tổ chức lễ nhập quan và lễ thành phục.

Theo thông tin từ gia đình Anh hùng Lao động Hồ Giáo, lễ viếng sẽ diễn từ lúc 12h ngày 15/10. Vào lúc 7h00 ngày 18/10/2015 (ngày 6 tháng 9 năm Ất Mùi) sẽ làm lễ truy điệu và lễ động quan. Anh hùng Lao động Hồ Giáo sẽ được an táng tại quê nhà ở Gò Nghĩa (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).

Hiện, công tác chuẩn bị cho lễ viếng và lễ tang anh hùng lao động Hồ Giáo đang được gia đình cùng chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ngãi tiến hành.
 

Gia đình chuẩn bị lễ tang

Chia sẻ với PV, ông Hồ Ai (77 tuổi) em trai ông Hồ Giáo nói trong tiếc nuối: "Anh Giáo đã rời bỏ gia đình chúng tôi đi thật rồi. Đây là sự mất mát rất lớn với chúng tôi. Anh Giáo không chỉ là người anh, mà còn là người thầy của tôi. Anh ấy dạy tôi rất nhiều. Con, cháu vẫn còn nhiều điều phải học hỏi, vậy mà anh ấy đi rồi".

Bà con hàng xóm, ai cũng tiếc thương trước sự ra đi của Hồ Giáo. Ông Nguyễn Văn Hữu (70 tuổi, ngụ phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi), người bạn trà của ông Hồ Giáo chia sẻ: "Anh Giáo không chỉ là người hàng xóm tốt bụng, mà còn là người bạn tri kỉ của tôi. Bà con hàng xóm ở đây, ai cũng quý anh Giáo. Lúc chưa nằm trên giường bệnh, anh Giáo thường xuyên đến nhà của bà con trong con hẻm chơi. Anh ấy luôn cho chúng tôi những lời khuyên về cách nuôi dạy con cháu, hay đối nhân xử thế."

Như thông tin đã đưa, hồi 15h30 ngày 14/10, Anh hùng lao động Hồ Giáo đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật và tuổi già. Ông hưởng thọ 86 tuổi.

Anh hùng Lao động Hồ Giáo quê xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), là đại biểu Quốc hội các khoá IV,V,VI. Và là người duy nhất trong ngành chăn nuôi gia súc được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lao động hai lần vào các năm 1966 và 1986.
 

Gia đình Anh hùng Lao động Hồ Giáo làm lễ tang

 
Năm 1948, ông Hồ Giáo tham gia Việt Minh tại địa phương, tập kết ra miền Bắc năm 1954, ở Sư đoàn 350 bảo vệ Hà Nội. Năm 1960, ông chuyển sang làm chăn nuôi ở Nông trường Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Do những thành tích đặc biệt trong chăn nuôi, thụ tinh nhân tạo và trị bệnh cho gia súc, năm 1966 ông được phong Anh hùng Lao động.
 

Người dân đến viếng tang

 
Năm 1976, ông Hồ Giáo chuyển công tác về Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ (xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1977, Ấn Độ tặng Việt Nam 502 con trâu giống Mura với mục đích làm sức kéo và lấy sữa, trong đó có hai con do đích thân Thủ tướng Indira Gandhi tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ông Hồ Giáo chuyển sang nuôi trâu tại nông trường Sông Bé từ đó. Sau đó, ông lại được phong Anh hùng Lao động lần thứ hai khi đàn trâu ông nuôi lên đến cả nghìn con.

Năm 1990, ông Hồ Giáo nghỉ hưu, về quê nhà Quảng Ngãi sinh sống và tiếp tục được Nhà nước giao nhiệm vụ nuôi trâu.
 
>> Anh hùng Hồ Giáo qua đời
 
Theo Dương Kha (Nguoiduatin.vn)