Xã hội

Nghỉ rét, "loa" báo muộn làm khổ học sinh

Trời rét đậm rét hại, học sinh (HS) nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp (có quy định). Việc này không có gì đáng bàn. Thế nhưng, thực tế ở quê tôi, trời rét, HS được nghỉ học mà lại khổ hơn đi học.

Việc này đã có tiền lệ

Khi loa xã đọc thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng chống bão thì các cháu đã đang ngồi ổn định trên lớp. Nghe loa xã đọc thông báo của cấp trên cho HS nghỉ học, các cháu nháo nhác ra về khi gió bão đang đổ về ầm ầm. Thật nguy hiểm. Chống rét cũng vậy.

Lúc loa xã đọc thông báo nghỉ học, các em HS đã đến trường rồi


Sáng lâu rồi, các cháu đã ngồi ấm trong lớp, lúc ấy loa xã mới đọc lệnh cho các cháu nghỉ rét. Thế là HS ra về trong khi bố mẹ đã đi làm hết. Nhiều em trời rét mà cứ lang thang. Tôi rất hi vọng năm nay sẽ khác. Nhưng vẫn vậy!

Thông báo nửa vời

Tối chủ nhật (24-1), đài truyền hình, đài phát thanh đã đọc bản tin thời tiết nhiều lần thông tin về các địa phương sau một ngày rét đậm rét hại. Dự báo thời tiết rét đậm rét hại sẽ kéo dài nhiều ngày và đương nhiên ngày mai nhiệt độ tiếp tục giảm. Câu hỏi được đặt ra với các em: “Mai có nghỉ học không nhỉ?”

Như để giải tỏa thắc mắc của HS và cha mẹ, loa xã phát thông báo của các cấp học.

Lúc chưa nghe, tôi cứ đinh ninh là thông báo nghỉ học vì với dự báo thời tiết hiện nay, chúng ta luôn biết trước ngày mai rét mức độ nào. Nghe xong bản tin của các trường học, tôi thất vọng vì họ thông báo nửa vời: “... các bậc cha mẹ chú ý bản tin thời tiết lúc 6 giờ và nếu thấy nhiệt độ ngoài trời dưới 10OC (cấp THCS thì dưới 7OC) thì cho các con nghỉ học ở nhà tránh rét...”

Vậy là lên giường đi ngủ mà vẫn không biết mai thế nào?

Sáng ra thông báo quá muộn!

6g15, trời sáng rõ, nhìn lên đồng hồ, tôi thấy nhiệt độ trong nhà là 110C, vậy là ngoài trời đương nhiên dưới 10 độ. Thế nhưng chưa thấy thông báo gì nghỉ học hay không.

Em tôi là thầy giáo nên phải trả lời điện thoại cho HS liên tục. Có lúc, chú ấy phải giải thích “Thầy không có quyền quyết định ...”.

6g20, HS tiểu học đã khoác cặp đi học.

6g25, HS các cấp đã xuống đường rất đông. Trường Tiểu học đông nghịt HS, Trường THCS HS HS đứng đầy cổng, em nào cũng mang theo ghế nhựa vì sáng thứ hai có chào cờ.

6g29, loa xã bắt đầu phát bản tin đặc biệt. Sau một hồi “Theo kế hoạch số ..., Theo thông báo số ... của Ủy ban phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ huyện ....; Theo thông báo số ... của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện ....” lắng nghe lúc lâu mới đến đoạn: “Hiện nay nhiệt độ ngoài trời đã xuống mức 70C, đề nghị các bậc cha mẹ HS cho các cháu nghỉ học, các em HS hãy nghỉ học, ở nhà, không được ra đường...”

Thế nhưng không phải cả ba cấp học đều thông báo một lúc, mà sau đó lần lượt loa xã đọc thông báo của từng trường học trong xã. Thật uổng thời gian.

HS ra về trong giá rét

Nghe loa đọc xong bản thông báo, HS các cấp reo hò ra về. Tôi nhìn ra cổng, cháu thì đi xe, cháu thì chạy bộ. Rét quá!

 HS sau khi được thông báo nghỉ 


7g30, tôi phóng xe một vòng mấy xã xung quanh. Thấy còn nhiều HS lang thang ở đường. Hỏi thì các cháu đáp: “Loa thông báo lúc đã hơn sáu rưỡi chú ạ!”

HS THCS thì nhiều em lượn xe quanh làng. HS tiểu học thì la cà vì tầm này bố mẹ chúng đã đi làm lâu rồi. Có em muốn về mà không có chìa khóa cửa. Dọc đường, nhiều đám túm mười tụm chín chơi bi, đánh đáo,... Có đám còn leo cả lên đống gạch nô đùa. Trời vẫn rét!

Nghỉ rét như vậy, thà đừng thông báo nghỉ rét để các em ngồi trong lớp cho ấm. Việc thông báo nghỉ học trễ giờ gây vất vả cho HS là lỗi tại cấp nào? Điều này thật khó nói. Thôi thì, HS và cha mẹ HS chỉ biết tại “loa” thông báo muộn quá!

Phải rút kinh nghiệm khi thông tin nghỉ học tránh rét 

Theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng vừa kí thì cơ sơ GD các cấp phải chủ động phối hợp với hội phụ nữ, hội Khuyến học, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… đối phó với thời tiết khắc nghiệt.

Các cơ sở GD-ĐT phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, trường hợp cần thiết có thể cho học sinh nghỉ học, có thông báo, hướng dẫn kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh và giáo viên.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết  do đặc thù từng vùng miền khác nhau nên các địa phương có thể quyết định cho học sinh nghỉ học và bố trí lịch học bù khác nhau. Có những địa phương cho phép học sinh nghỉ đồng loạt nhưng có những địa phương có địa bàn phức tạp, có thể áp dụng cách cho học sinh từng khu vực khác nhau nghỉ học, tùy theo tình hình thực tế của thời tiết.

Tại các tỉnh đồng bằng, khu vực phía Bắc trong thời gian này đều áp dụng quy định cho học sinh tiểu học nghỉ học khi thời tiết xuống dưới 10 độ và HS THCS nghỉ học khi thời tiết xuống dưới 7 độ.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT các sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường có thông báo cho từng phụ huynh chủ động xem dự báo thời tiết vào 6g15 sáng để chủ động cho con nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp, không cần chờ có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với mỗi ngày. Một số trường đã thông tin cho cha mẹ học sinh qua sổ liên lạc điện tử.

Theo ông Vũ Văn Lương, giám đốc Sở Giáo dục Hải Dương, từ ngày 24-1, Sở GD-ĐT Hải Dương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải theo dõi Bản tin dự báo thời tiết trên VTV1 và đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, chủ động quyết định.

"Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở giáo dục cần quy định thống nhất hoặc có phương án phối hợp, liên lạc để các bậc phụ huynh học sinh nắm được thông tin nghỉ học kịp thời. Nhà trường cần thông báo cho phụ huynh học sinh biết để phối hợp quản lý, tổ chức cho sinh tự ôn tập tại nhà”, ông Lương cho biết.

Về sự việc phụ huynh học sinh ở Hải Dương phản ánh học sinh “khổ vì nghỉ tránh rét” do nhà trường không thực hiện đúng quy định, chậm trễ thông báo lịch nghỉ học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng cần phải rút kinh nghiệm, tăng cường việc theo dõi diễn biến thời tiết và có biện pháp thông tin kịp thời tới từng học sinh, trước khi các em phải dời nhà đến trường trong tình huống rét đậm.

VĨNH HÀ

>> Học sinh Hà Nội trùm chăn ngay trong giờ học
>> Ba ngày học sinh nghỉ rét: Cha mẹ cãi nhau, trường lo lắng

Theo Sơn Tùng (Tuổi Trẻ)