Xã hội

Nghị lực của cô gái từng trải qua gần 10 lần phẫu thuật: 'Nếu không rơi vào than củi, tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay'

Đào hay cười, ít nhất là so với thời điểm nhiều năm về trước, khi mà những giọt nước mắt che đậy phần nào sự xinh đẹp của cô. Đào tin, câu chuyện của cô sẽ thay đổi trái tim mọi người. "Nếu tôi không rơi vào than củi, tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay", Đào nói.

Đào không còn cố gắng che giấu cánh tay trái giả của mình, với thứ móng vuốt kim loại sáng bóng, hay những vết sẹo in hằn khiến cô bị méo miệng. Đào đã kết hôn và có 2 đứa trẻ xinh đẹp, hiện đang sinh sống tại California cùng chồng. Mỗi năm, Đào đều cùng gia đình về thăm quê nhà Bình Định. 

Đào hay cười, ít nhất là so với thời điểm nhiều năm về trước, khi mà những giọt nước mắt che đậy phần nào sự xinh đẹp của cô. Đào tin, câu chuyện của cô sẽ thay đổi trái tim mọi người, đặc biệt những người khuyết tật thường bị xã hội "gạt sang một bên". 

"Nếu tôi không rơi vào than củi, tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay. Tôi tin rằng tất cả mọi chuyện xảy ra đều có lý do" - Đào nói. 

Câu chuyện của Đào, chúng tôi nghĩ không ai biết rõ và hiểu sâu sắc hơn mẹ nuôi Đào, cô Nguyễn Thị Bích Hằng. Từng câu, từng chữ trong bài chia sẻ của cô Hằng đều chứng minh sức sống mãnh liệt của cô con gái tên Đào. Dù phải trải qua nhiều gian khổ trước đó, Đào đã sống một cuộc đời đáng sống, toả sáng như đoá hoa hướng dương. 

Nghị lực của cô gái từng trải qua gần 10 lần phẫu thuật: 'Nếu không rơi vào than củi, tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay'
Đào bên hai người con lai của mình.

Được sự đồng ý của mẹ nuôi Nguyễn Thị Bích Hằng, chúng tôi xin được chia sẻ toàn bộ câu chuyện của Đào qua lời kể chân thật của cô.

Khi tôi gặp Đào, cô ấy đã trải qua 7 lần phẫu thuật

Tôi có một cô con gái nuôi.

Kể cả bạn bè thân thiết cũng ít người biết rằng tôi có một cô con gái nuôi, đơn giản là vì tôi chưa nuôi Đào ngày nào nhưng Đào gọi tôi là mẹ - mẹ nuôi, và tôi hạnh phúc vì điều đó.

Tôi gặp Đào vào một ngày giữa năm 2008, em đến văn phòng gặp tôi để đăng ký phẫu thuật răng hàm mặt miễn phí với đoàn bác sĩ Surgicorps đến từ Mỹ, một duyên hội ngộ khi tôi gửi thông điệp này lên mạng AIT Alumni VN (Hội Cựu Sinh Viên AIT tại Việt Nam), một người bạn nào đó bên Pháp báo tin cho người nhà tại Việt Nam, là một người bạn của Đào, để rồi đưa em đến gặp tôi. Tôi sửng sốt khi gặp Đào lần đầu với khuôn mặt bị cháy 1 nửa và 1 bàn tay không còn nữa, nhưng em không hề ngần ngại với khuôn mặt ấy mà rất tự tin, luôn nhìn thẳng vào tôi khi nói chuyện. Tôi hỏi chuyện Đào mà trong lòng tràn đầy thương cảm xót xa.

Đào sinh ra trong một gia đình nghèo đông con tại Bình Định. Vùng nông thôn Việt Nam thường có tục lệ đốt than hơ nóng cho các bà mẹ sau sinh mà họ tin rằng sẽ tốt cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Đào cũng được hơ than bằng cách đó. 

Khi chưa đầy tháng, mẹ cho em nằm võng bên dưới đốt 1 chậu than hồng, hôm đó chỉ trong 1 khoảnh khắc mẹ bỏ con ra ngoài sân lấy nước thì nghe tiếng kêu xé ruột trong nhà. Bà không thể ngờ đứa con gái út bé bỏng của mình mới 28 ngày tuổi chưa hề biết lẫy lại có thể lật ra khỏi võng và nằm trên chậu than hồng như có một bàn tay siêu hình gây ra vì lúc đó trong nhà không có một ai cả. 

Đứa trẻ giãy giụa trong than, cháy hết 1 bên thân thể, cháy cụt hết các ngón tay trái và 1 bên mặt. Em được đưa đến bệnh viện cấp cứu, do bị hoại tử nên phải cắt cánh tay trái đến gần khuỷu. Chỉ sau một thời gian chữa chạy, bệnh viện cũng bó tay, trả em về nhà nằm chờ chết. Nhưng em không chết, em cứ thế lay lắt vượt qua cái chết để được sống.

Nghị lực của cô gái từng trải qua gần 10 lần phẫu thuật: 'Nếu không rơi vào than củi, tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay' - 1
Đào chụp ảnh cùng mẹ nuôi, cô Nguyễn Thị Bích Hằng.

Lớn lên với nỗi đau thể xác đã hóa thành sẹo khắp gương mặt và 1 phần thân thể, mắt và miệng bị co rúm lại đến nỗi em không thể há mồm, cánh tay không thể duỗi ra. Thế nhưng đến năm 7 tuổi em mới nhận thức được sự khác biệt của mình qua ánh mắt khinh bỉ, sự trêu chọc, nhạo báng của bạn bè. Và cứ thế em sống trong tủi nhục cho đến năm 22 tuổi. 

Hôm đó qua đài phát thanh em được biết có 1 đoàn bác sĩ Mỹ đến Việt Nam phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch miễn phí ở Quy Nhơn. Em lập tức lên đường dù đã hết hạn đăng ký. Vị trưởng đoàn, bác sĩ phẫu thuật, Dr. Frank Walchak và bà Carolyn vợ ông, là y tá phòng mổ đến từ Spokane (Mỹ). Ngay từ lần đầu gặp Đào, ánh mắt khẩn khoản cầu xin của em đã chạm vào lòng trắc ẩn của họ và như hai vị thần hộ mệnh, họ đã nhận ra sứ mệnh của mình. 

Frank biết không chỉ 1 lần phẫu thuật, Đào cần phải phẫu thuật nhiều lần để cải thiện khuôn mặt ấy. Vợ chồng Frank đã quyết định tìm mọi cách đưa em sang Mỹ. Sau 2 năm nỗ lực xin visa và làm các thủ tục chuẩn bị cho Đào, hai vị bác sĩ nhân hậu và bao dung ấy đã đưa được em sang Mỹ. 9 tháng ở với họ và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn, khuôn mặt em được cải thiện đáng kể. Ở đó em luôn được coi như cô con gái út trong gia đình với 2 người chị gái đầy yêu thương. Em được học tiếng Anh, học lái xe và trượt tuyết dù chỉ có 1 tay. Họ yêu em và luôn coi em như một người bình thường. Em nhút nhát vì mọi thứ đều lạ lẫm vô cùng vì đây là lần đầu tiên em bước chân ra khỏi lũy tre làng chứ chưa nói đến chuyện ra khỏi biên giới. Những tâm hồn cao đẹp đã hội tụ tại đây để mang đến cho đời những điều kỳ diệu. Nhưng dù sao thì cũng đến ngày em phải về nước và đối mặt với cuộc sống của chính mình.

Khi tôi gặp Đào, cô ấy đã trải qua 7 lần phẫu thuật, khuôn mặt tuy đã cải thiện hơn trước nhưng thực sự những vết sẹo vẫn còn chằng chịt, mắt và miệng vẫn bị kéo lệch 1 bên. Sau khi từ Mỹ trở về Đào đã quyết tâm từ Bình Định ra thành phố Hồ Chí Minh xin việc, quyết tâm học thêm tiếng Anh và kế toán vào buổi tối. Lúc đó công việc của em thực sự rất khó khăn và khắc nghiệt. Không chỉ lo cho bản thân mình, Đào vẫn phải đi bán vé số tại bến Bạch Đằng, mỗi đêm được khoảng 50 ngàn đồng để gửi về nuôi cha mẹ mình ở quê.

Nghị lực của cô gái từng trải qua gần 10 lần phẫu thuật: 'Nếu không rơi vào than củi, tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay' - 2
Đào bên cạnh đại gia đình thân yêu của mình, cùng chồng và 2 đứa con xinh xắn.

Đằng sau khuôn mặt khiếm khuyết của Đào là một tấm lòng nhân hậu

Ngay buổi sáng đầu tiên khi đoàn Surgicorps vừa hạ cánh đến Việt Nam, trong lúc chờ check in tại khách sạn, họ đã tranh thủ sơ khám cho Đào và 1 số bệnh nhân khác, bất kể mệt mỏi do lệch múi giờ và chưa ăn uống gì. Buổi chiều hôm đó họ bắt tay vào làm việc ngay, Đào là trường hợp được thử máu buổi chiều đó và được họ quyết định phẫu thuật ngay ngày hôm sau vì họ muốn có 1 tuần điều trị hậu phẫu cho em trước khi họ về nước. 

Buổi tối Đào gọi điện cho tôi giọng rất hoang mang, em nói không thể phẫu thuật ngay ngày mai vì bà chủ không cho phép nghỉ. Thực sự em rất khó khăn để lựa chọn hoặc mất việc hoặc được phẫu thuật, mà em thì cần rất nhiều lần phẫu thuật nữa để cải thiện gương mặt. Mỗi dịp như thế này là cơ hội vàng cho em. Tôi chỉ nói với em hãy xin phép và trình bày cặn kẽ với bà chủ. 

"Nếu không được và sau này bà chủ vẫn đuổi việc thì gọi cho cô, hãy tin rằng cô sẽ giúp con". 

Năm đó công ty tôi cũng đăng ký cho em Toàn, một nhân viên nam là trưởng phòng vé máy bay, được phẫu thuật vá 1 bên cánh mũi, dị tật bẩm sinh do mẹ em bị cúm khi mang thai. Tôi vào thăm các em ngay sau khi cuộc phẫu thuật và tặng quà cho tất cả các bệnh nhân trong dịp đó. Thật cảm động khi được thấy các bác sĩ Mỹ trong phòng hậu phẫu bồng bế từng em nhỏ dỗ dành, cho quà bánh để các em khỏi lo lắng và đau đớn. Toàn cảm động nói với tôi, "Khi con mở mắt ra người đầu tiên con nhìn thấy là chị Đào. Chị đang ngồi bên con, pha nước chanh và đợi con tỉnh dậy để cho con uống, dù chị ấy cũng mới chỉ phẫu thuật trước con không lâu". Câu chuyện ấy tôi không bao giờ quên, tôi biết đằng sau khuôn mặt khiếm khuyết của Đào là một tấm lòng nhân hậu.

Nghị lực của cô gái từng trải qua gần 10 lần phẫu thuật: 'Nếu không rơi vào than củi, tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay' - 3
Từ đứa trẻ thiệt thòi, Đào vươn lên trở thành người phụ nữ đầy nghị lực.

Một tuần sau, Đào gọi điện cho tôi nói như khóc: "Cô ơi con bị đuổi việc rồi cô ạ". Không chút đắn đo, tôi nói: "Ngay khi con bình phục hãy đến công ty gặp cô", dù lúc đó tôi cũng không biết Đào có thể làm được việc gì không? Việc nhận Đào vào công ty tất nhiên do quyết định của tôi thì không ai ngăn cản nhưng nhìn ánh mắt một số nhân viên, tôi biết Đào sẽ không dễ dàng gì khi làm việc ở đây. Nhưng rất may Đào đã có Toàn luôn bảo vệ và thân thiết từ khi cả hai cùng nằm phẫu thuật trong bệnh viện.

Thật đáng ngạc nhiên, tuy chưa được học hành đến nơi đến chốn, nhưng Đào rất thông minh và chăm chỉ, bất kể việc gì được giao em đều hoàn thành tốt nhất, kể cả phần mềm kế toán mới nhất em cũng nắm bắt rất nhanh chóng. Hàng ngày em vẫn chạy xe máy bằng 1 tay, làm mọi việc bằng 1 tay nhưng không khiến em ngại ngùng bất kể việc gì. Em âm thầm làm việc mà không hề kêu ca, khi tôi phát hiện em bị chèn ép và hỏi han thì em đều nói "Không sao, mẹ cứ để tự con giải quyết". Em cũng xin được gọi tôi là mẹ từ ngày ấy, em nói "Vì mẹ đã sinh ra con lần thứ hai". 

Em đã trở thành một nhân viên văn phòng như thế đấy! 

Câu chuyện của con có thể truyền cảm hứng và giúp đỡ được những người có hoàn cảnh như con

Dịp đó ông bà Frank và Carolyn Walchak đi phẫu thuật từ thiện tại Trung Quốc biết tin Đào có được công việc tốt, họ lập tức bay sang Việt Nam để làm một việc là cám ơn tôi. Hôm đó ông bà mời Đào đến ở chung phòng trong khách sạn và mời tôi đến, nhìn cách ông bà ôm Đào, giới thiệu với tất cả mọi người đây là con gái của chúng tôi một cách tự hào mà không hề bối rối trước những ánh nhìn tò mò lạ lẫm, tôi thấy cảm động vô cùng. Tôi nói với họ, "Người cần được cám ơn hôm nay chính là ông bà, từ một đất nước xa xôi ông bà đến đây, yêu thương, cưu mang một cô gái nghèo tàn tật của chúng tôi, thì không lẽ gì tôi là một người Việt Nam lại không làm được điều đó". Thật tuyệt vời khi trong cuộc đời của mình có thể được gặp được những con người như thế.

Tôi luôn kể những câu chuyện về sức mạnh tinh thần sẽ mang đến những điều kỳ diệu để khuyến khích và động viên Đào, rằng hãy ước mơ một hạnh phúc như những người khác và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Tôi biết Đào đã cố gắng hết sức nhưng chưa chắc em đã tin những câu chuyện tôi kể, em nói rằng không bao giờ em dám mơ có một gia đình như bao người khác.

Nghị lực của cô gái từng trải qua gần 10 lần phẫu thuật: 'Nếu không rơi vào than củi, tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay' - 4
Vợ chồng Đào bên 2 người con, Michelle và Mitchell.

Thế rồi vào một ngày mùa Hè hai năm sau đó, Đào bẽn lẽn kể cho tôi câu chuyện có một vị bác sĩ nha khoa trong đoàn Rotaplast của ông bà Walchak, đã từng gặp Đào lần đầu khi em còn là một cô bé ở quê nghèo Bình Định. Lâu nay anh ấy vẫn thường động viên, chuyện trò với em qua mạng, nay anh ấy đến Đà Nẵng và muốn hẹn hò với em. Đào hỏi tôi có nên đi không và lo lắng không biết mình có bị lợi dụng không? Lúc đó tôi thật lòng nói với Đào: "Con không có gì để bị lợi dụng cả. Nếu anh ấy muốn đến với con thì đó chỉ có thể là một tấm lòng yêu thương và nhân ái vô cùng, con hãy đón nhận bằng cả tấm lòng, đó chính là món quà của trời đất trao tặng cho con."

Quả thực Dr. Michael French là một người như thế, anh chàng đến ra mắt tôi tại văn phòng và sau đó là một bữa tối thân mật tại nhà tôi với sự chứng kiến của hai vợ chồng tôi, anh chàng ôm lấy Đào với sự chân thành hiếm có, nói rằng Đào là cô gái đẹp nhất và anh luôn tự hào khi đi cùng Đào. Tôi hiểu ra rằng chuyện cổ tích luôn có thể xảy ra giữa đời thường, Đào đã sống với tấm lòng chân thành, hiếu thảo, nhân hậu và sự nỗ lực không ngừng, em xứng đáng được hưởng hạnh phúc như những câu chuyện cổ tích mà em được đọc hồi nhỏ.

Nghị lực của cô gái từng trải qua gần 10 lần phẫu thuật: 'Nếu không rơi vào than củi, tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay' - 5
Sự đớn đau của năm 28 tháng tuổi được đền đáp xứng đáng, với một gia đình nhỏ, nhờ chính nghị lực của cô Đào bé nhỏ năm nào.

Bây giờ Đào đã thành mẹ của 2 thiên thần đáng yêu là Michelle, 6 tuổi và Mitchell, 4 tuổi. Gia đình em đang sống ở Murphys, California, Hoa Kỳ. Thật đáng kinh ngạc khi em sang Mỹ chỉ vài năm đã có thể vừa hoàn thành chương trình học tại Columbia College với kết quả xuất sắc, vừa nuôi dạy 2 con nhỏ rất chu đáo, vừa hàng ngày tự lái xe đi học và đi làm kế toán tại phòng khám Nha Khoa của chồng (Safari Smiles Dental) tại Sonora. Hàng năm gia đình em đều trở về Việt Nam thăm gia đình và đến các trại trẻ mồ côi, khuyết tật khám răng, tặng quà cho các em nhỏ như một lời tri ân đến cuộc đời.

Tôi nói với Đào: "Câu chuyện của con có thể truyền cảm hứng và giúp đỡ được những người có hoàn cảnh như con, hãy truyền cho họ niềm tin vào cuộc sống như con đã từng sống, ai cũng có quyền được hạnh phúc nếu biết rằng hạnh phúc chính ở trong tay mình".

Tôi luôn tự hào về Đào và thường hay kể câu chuyện này mỗi khi cần truyền cảm hứng sống cho ai đó. 

Theo Nguyễn Thị Bích Hằng (Trí Thức Trẻ)