Xã hội

Ngập nước, rác thải làm nóng nghị trường Đà Nẵng

Từ đầu năm 2019, TP Đà Nẵng sẽ phân loại rác tại nguồn bởi ngân sách không thể giải quyết nổi lượng rác thải ra 1.000 tấn/ngày.

Trong phiên thảo luận và chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Đà Nẵng ngày 18-12, các đại biểu đã tập trung thảo luận vấn đề thoát nước đô thị và đề án môi trường.

Hệ thống thoát nước lạc hậu

Đại biểu Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho biết 20 năm qua, Đà Nẵng đã đầu tư 3 dự án thoát nước với tổng kinh phí 5.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của đô thị, điển hình như trận mưa lớn ngày 9 và 10-12 khiến TP ngập sâu.

Quá trình phát triển đô thị đã làm giảm số lượng hồ điều tiết tự nhiên trong TP từ 42 hồ xuống còn 30 hồ, tương đương với diện tích khoảng 300 ha, dung tích khoảng 3,5 triệu m3. Ngoài ra, Đà Nẵng chưa thực hiện công tác duy tu, nạo vét trong thời gian dài; chưa kiểm soát xả thải nước ngầm lẫn bùn đất ở các công trình thi công ra cống gây tắc cục bộ.

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho hay hệ thống thoát nước vẫn chưa đồng bộ, chỗ có máy bơm thì không ngập mà chỗ ngập lại không có máy bơm. "Mỗi năm TP chi hơn 80 tỉ đồng để nạo vét, phải kiểm tra xem nạo vét có hết không. Ý thức của người dân cũng thay đổi, không phải cứ thấy có muỗi là đem ra bịt cống. Đề nghị rà soát lại quy hoạch hệ thống nước thải, phân kỳ đầu tư đồng bộ và có giải pháp chống ngập" - ông Trung nói.

Ngập nước, rác thải làm nóng nghị trường Đà Nẵng
Trận mưa ngày 9-12 khiến TP Đà Nẵng ngập sâu, thiệt hại khá nặng

Khắc phục 7 điểm nóng môi trường

Đại biểu Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng, cho biết năm 2008, TP ban hành đề án xây dựng TP môi trường. Trước đây, TP Đà Nẵng có 13 điểm nóng môi trường, nay đã khắc phục được 7 điểm. Nguồn lực của TP Đà Nẵng dành cho các công trình bảo vệ môi trường rất lớn: Giai đoạn 2016-2018 đầu tư 2.100 tỉ đồng, giai đoạn 2016-2020 đầu tư 6.800 tỉ đồng.

Ông Hùng cũng công bố con số mỗi ngày TP thải ra từ 900-1.000 tấn rác. Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tới năm 2025, mỗi ngày TP Đà Nẵng thải ra khoảng 1.800 tấn rác. Riêng tại quận Hải Châu hiện có hơn 20 quán trà sữa. Bình quân mỗi tháng, các quán trà sữa trên thải ra khoảng 50-100 m3 rác thải từ ly nhựa và ống hút. Còn bãi rác Khánh Sơn đã chứa hơn 2,7 triệu tấn rác. Chi phí tính toán xử lý rác theo ADB là khoảng 37 USD/tấn. Với số lượng rác thải hiện nay, mỗi năm, TP Đà Nẵng phải chi 300 tỉ đồng để xử lý rác.

Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cũng cho hay sau trận mưa ngày 9 và 10-12, Bảo hiểm Bảo Việt phải đền bù cho chủ 280 ôtô do ngập nước, thiệt hại chung trên toàn TP Đà Nẵng rất lớn. Ông Hùng đề nghị phải nâng cao nhận thức từ người dân vì lâu nay, người dân cho rằng vấn đề giải quyết lĩnh vực môi trường thuộc Sở TN-MT và cơ quan chức năng. "Đó là nhận thức chưa đầy đủ. Người dân phải xem đây là nhiệm vụ, đồng thời cả hệ thống chính quyền phải vào cuộc" - ông Hùng đề nghị.

Về giải pháp, ông Hùng cho hay UBND TP đang triển khai quy hoạch đầu năm 2019 sẽ phân loại rác tại nguồn. Chủ tịch UBND TP đã giao trong vòng 3 tháng phải triển khai đồng loạt trên toàn TP. Nếu không phân loại rác, ngân sách của TP không thể giải quyết vấn đề này bởi thu phí xử lý rác hiện nay rất thấp. 

HĐND TP Đà Nẵng đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 24 người giữ chức vụ do HĐND TP bầu.

Ông Trần Đình Quỳnh, Chánh Văn phòng UBND, và bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 31 phiếu/46 phiếu hợp lệ. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có 29 phiếu tín nhiệm cao. Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng.

Theo Bích Vân (Nld.com.vn)