Xã hội

“Nắng nóng đã cướp chồng tôi!”

Hai người chết do say nắng ở Nghệ An đều trên 50 tuổi - độ tuổi dễ bị đột quỵ khi làm việc dưới nắng quá lâu.

Hai người chết do say nắng ở Nghệ An đều trên 50 tuổi - độ tuổi dễ bị đột quỵ khi làm việc dưới nắng quá lâu.

 

Bà Nguyễn Thị Tú vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của chồng

Hoàn cảnh gia đình của bà Tú hết sức đáng thương, 7 người sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Sự ra đi bất ngờ của ông Liễu khiến gánh nặng gia đình đè lên đôi vai bà Tú. “Ông ấy bình thường rất khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, giờ ông ấy chết rồi, mẹ con tôi không biết sống ra sao trong những ngày tiếp theo. Đau đớn quá! Nghèo khổ, nắng nóng đã cướp đi chồng tôi, cha của con tôi!” - bà Tú than thở.

Thấy mẹ khóc, cháu Nguyễn Văn Thắng (10 tuổi) cũng mếu máo: “Còn bố, em còn được đi học, giờ bố chết rồi không biết mẹ có đủ sức nuôi em đi học nữa hay không”.

Rời nhà bà Tú, đi theo con đường nhỏ liên thôn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Duy Lạc (65 tuổi) ở xóm 9, xã Nghi Thạch. Căn nhà nhỏ cuối thôn vẫn còn dựng bạt đám tang, nhiều người đến chia buồn với gia đình trước cái chết của bà Nguyễn Thị An (60 tuổi, vợ ông Lạc).

Theo người thân của bà An, sáng 31-5, bà An ra đồng làm cỏ lúa. Nắng nóng, làm việc mệt, bà ngất xỉu tại ruộng. Khi mọi người phát hiện thì bà An đã bất tỉnh khá lâu nên cứu không kịp.

Theo ông Lạc, trước đó một tuần, bà An có đi khám kiểm tra sức khỏe nhưng không bị bệnh gì. “Bình thường bà ấy rất khỏe, sáng hôm đó, trời nắng nóng, làm việc mệt nên ngất, nằm một mình phơi giữa nắng một thời gian lâu nên mới kiệt sức mà chết” - ông Lạc buồn bã nói.

Theo nhiều người dân xã Nghi Thạch, mấy ngày qua, thời tiết ở địa phương vô cùng khắc nghiệt. Không chỉ nắng nóng, gió Lào còn thổi mạnh khiến không khí vô cùng bức bối. “Hôm ông Liễu, bà An mất, mới 7-8 giờ mà mặt trời đã lên cao, nắng chói chang, nhiệt độ đã 37-38 độ C. Nắng kèm theo gió Lào thổi hầm hập, ở bóng râm còn thấy khó chịu nói gì ra đồng” - ông Nguyễn Văn Chuyên, một người dân ở xã Nghi Thạch, cho biết.
 

Cách cấp cứu người bị say nắng

Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết với nền nhiệt từ 38 độ C trở lên, nếu ở ngoài trời lâu, mọi người rất dễ bị say nắng, đặc biệt là với người trên 50 tuổi. Say nắng có thể gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể với nhiều biểu hiện như đau đầu, chóng mặt... Cũng có người chưa kịp mệt thì đã gặp các triệu chứng nặng hơn như buồn nôn, co giật, lú lẫn, thậm chí hôn mê.

Còn theo bác sĩ Đồng Văn Thành, Phó trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày nắng nóng, không chỉ người phải làm việc ngoài trời mà kể cả những người mắc bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ bị mất nước, mất điện giải dẫn đến đột quỵ. Do đó, người cao tuổi nên hạn chế ra đường khi nắng nóng gay gắt. Nông dân, công nhân làm việc ngoài trời cũng nên tránh các giờ cao điểm. Nếu phải làm việc ngoài trời thì nên mặc các trang phục sáng màu, thoáng mát, đội mũ rộng vành, cứ 1-2 giờ làm việc lại vào bóng râm nghỉ 5-10 phút để uống nước.

Nếu thấy ai đó phơi nắng lâu dẫn đến mệt mỏi, ngất xỉu hoặc nói năng lộn xộn thì nên đưa ngay vào bóng râm hoặc môi trường có điều hòa, cởi bỏ bớt quần áo. Trường hợp bệnh nhân nóng sốt thì làm mát bằng quạt, đắp khăn ướt, dội nước lên người, áp túi nước đá vào các vùng có nhiều mạch máu để nhanh chóng hạ nhiệt; sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
 
N.Dung
 
>> Làm đồng giữa trời nắng nóng, 2 nông dân tử vong
 
Theo Đức Ngọc (Nld.com.vn)