Xã hội

Nạn quá tải đè nặng lên hai thành phố lớn

Chủ tịch UBND hai TP lớn là TP.HCM và Hà Nội đã cùng góp mặt trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ngày 16-8.

Chủ tịch UBND hai TP lớn là TP.HCM và Hà Nội đã cùng góp mặt trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ngày 16-8.

Nạn quá tải đè nặng lên hai thành phố lớn

Phiên chất vấn còn có sự tham gia của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

“Có trục lợi trong điều chỉnh quy hoạch”

Nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chất vấn về những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị như quy hoạch thiếu tầm nhìn, kém chất lượng, quản lý quy hoạch có vấn đề nên để xảy ra nhiều sai phạm, vi phạm trong xây dựng.

“Quy hoạch đô thị ở nước ta rất thiếu tầm nhìn, chứng cứ là đô thị nào cũng có vấn đề về ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, nhà siêu mỏng siêu méo, rồi chuyện sân golf trong sân bay, đường cong mềm mại... Xin hỏi bộ trưởng là có tình trạng nắm trước quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để trục lợi không?” - bà Nguyễn Thị Kim Thúy, ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đặt câu hỏi.

Đáp lại, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận có những hạn chế trong quản lý nhà nước như chất lượng quy hoạch còn yếu kém, thiếu đồng bộ, quy hoạch “treo”, xử lý sai phạm chưa kiên quyết, không đủ sức răn đe...

“Tầm nhìn quy hoạch có cái chưa đảm bảo, có cái ngắn quá, cái dài quá. Tức là khi tính toán, dự báo số liệu đưa ra mục tiêu nội dung, quy trình chưa phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể của đất nước, dẫn đến tính khả thi chưa được tốt. Sự khớp nối, thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch chưa tốt cũng ảnh hưởng tới chất lượng quy hoạch” - ông Hà giải thích.

Còn có chuyện trục lợi không, ông Hà cho rằng về cơ bản tổng thể thì không có, nhưng ở một số trường hợp cụ thể cũng có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch. “Chúng tôi sẽ đề xuất biện pháp để tránh việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện và trục lợi trong quá trình điều chỉnh” - ông Hà hứa.

TP.HCM chịu áp lực lớn về dân số

Đề cập đến việc xử lý các sai phạm xây dựng xảy ra trên địa bàn Hà Nội trong những năm qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết quá trình phê duyệt quy hoạch chi tiết đều được UBND TP Hà Nội, các cơ quan tham mưu của TP trình trên cơ sở phê duyệt của Bộ Xây dựng.

Các phê duyệt đều đúng theo quy hoạch chung, quy hoạh phân khu Chính phủ phê duyệt, nhưng có một số chủ đầu tư vi phạm liên quan đến quy định về mật độ xây dựng, chiều cao. Ví dụ điển hình được ông Chung nêu là các vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh xảy ra ở khu đô thị Đại Thanh.

“Trách nhiệm trước tiên trong việc này thuộc về TP Hà Nội, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thiếu giám sát, thiếu kiểm tra, đặc biệt liên quan đến thanh tra chuyên ngành. Thứ hai là ý thức chủ quan thuộc về chủ đầu tư, đã cố tình vi phạm” - ông Chung nói.

Tham gia phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dành nhiều thời gian để trình bày những vấn đề mà đô thị lớn nhất nước đang gặp phải.

Ông cho biết theo đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt thì dự báo quy mô năm 2025 của TP là 10 triệu người, nhưng con số thực tế ở thời điểm hiện tại đã là khoảng 13 triệu người.

“TP đang chịu áp lực rất lớn về dân số, tác động lên toàn hệ thống hạ tầng giao thông. Hiện TP có 7,6 triệu xe máy và 700.000 ôtô. Mỗi năm có 30.000 phương tiện đăng ký mới, trong khi diện tích đường không tăng, mà có tăng cỡ nào cũng không đáp ứng hết được nhu cầu với tốc độ tăng dân số và phương tiện khủng khiếp như thế” - ông Phong nói.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, vấn nạn giao thông của TP.HCM chỉ có thể giải quyết bằng cách phát triển mạnh giao thông công cộng, nhưng cái khó lại là nguồn lực. Hiện TP đang phát triển 8 tuyến metro, vốn chủ yếu là ODA và PPP vì vốn ngân sách không đủ khả năng.

Tuy vậy, tuyến metro số 1 dùng vốn vay ODA của Nhật cũng đang tắc. “Trước mắt, TP một mặt tập trung phát triển giao thông công cộng, một mặt quản lý chặt chẽ quy hoạch. Chúng tôi nhất quyết không mềm lòng, không cho nhập cư gia tăng thêm vì nén dân số, nén đô thị phải đồng bộ với giao thông công cộng” - ông Phong bày tỏ.

Vì sao chậm trễ trong xử lý tòa nhà 8B Lê Trực?

Nói về việc chậm trễ trong xử lý sai phạm của chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội), ông Nguyễn Đức Chung xin nhận trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, ông giải thích chậm trễ do phải đảm bảo phương án kỹ thuật để quá trình “cắt ngọn” công trình này an toàn.

“Bộ Xây dựng cũng đang mời một số nhà khoa học tham gia thẩm định xem cắt như vậy thì tòa nhà có đảm bảo yêu cầu về mặt kỹ thuật, có an toàn để người dân sau này vào ở hay không, hay là sẽ trình phương án khác. Báo cáo các đại biểu Quốc hội là phải đặt an toàn lên trên. Đây là nguyên nhân của việc chậm trễ trong xử lý” - ông Chung nói và hứa sẽ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong việc này.

Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)