Xã hội

Nạn nhân vụ cháy Carina Plaza: 'Ở chung cư vẫn an toàn hơn nhà phố'

Vụ cháy khủng khiếp tại Carina Plaza (quận 8. TP.HCM) làm cho nhiều người tỏ ra sợ hãi và định kiến “hắt hủi” đối với các chung cư cao tầng. Tuy nhiên, thật bất ngờ trong hội thảo "Giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư" được tổ chức tại TP.HCM sáng 4.3, một nạn nhân vừa thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhận định, sống chung cư vẫn an toàn hơn nhà phố.

Tại Hội thảo “Giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư”, anh Trương Đăng Khoa (cư dân sống tại lầu 11, block C, người vừa trải qua vụ cháy Carina Plaza) cho biết, sau khi vụ cháy xảy ra và phải chứng kiến cảnh nhiều người chung toà nhà thiệt mạng, bị thương đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ việc tiếp tục sống tại chung cư của bản thân. Thế nhưng khi định thần, anh Khoa cho rằng, sự cố cháy vừa rồi xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng là do việc thiếu trách nhiệm của nhiều bên và một phần thuộc về ý thức của cư dân. Nếu chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý, cơ quan chức năng và cả cư dân đều thực hiện tốt các công tác an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì hậu quả đã không lớn đến như vậy.

Qua đó, dù vừa phải chứng kiến cảnh tang thương, nhưng nếu được chọn lại anh Khoa nói vẫn sẽ ở chung cư vì căn bản môi trường là tốt. Đặc biệt, ở nhà phố thì hầu hết cũng không có ban quản trị, không có hệ thống báo cháy, PCCC và hẻm rất nhỏ, khi xảy ra cháy nổ thì xe cứu hoả không thể vào được. Ngược lại, một chung cư khi ý thức con người được nâng cao và sản phẩm căn hộ cao cấp thì mức độ an toàn về PCCC nói riêng và an ninh trật tự xã hội nói chung đều được đảm bảo hơn.

Nạn nhân vụ cháy Carina Plaza: 'Ở chung cư vẫn an toàn hơn nhà phố'
Vụ cháy chung cư Carina Plaza.

Nói về vấn đề xoay quanh chung cư, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Quản lý nhà công sở, Sở Xây dựng TP.HCM thông tin, việc phát triển nhà ở chung cư là nhu cầu tất yếu và phù hợp, góp phần vào diện mạo thành phố. Quá trình vận hành chung cư tùy thuộc vào những đơn vị, cá nhân liên quan gồm chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành toà nhà, ban quản trị, người sở hữu nhà chung cư và cơ quan quản lý nhà nước. Năm chủ thể này liên quan một cách trực tiếp hệ thống hoạt động của các chung cư.

Theo ông Hải, dù cơ quan quản lý nhà nước đã nghiệm thu công trình đảm bảo công tác PCCC, nhưng trong quá trình vận hành, chủ đầu tư, ban quản lý… không thường xuyên bảo trì, cư dân không có ý thức bảo vệ thì rất khó để đảm bảo an toàn PCCC. Từ khâu ban đầu lập dự án đến khâu đưa vào sử dụng, phải tuân thủ sự nghiêm ngặt của pháp luật. Hơn nữa, đơn vị quản lý nhà nước phải có nhiều giải pháp như liên tục tuyên truyền, tập huấn cho những người liên quan trực tiếp sống trong chung cư, yêu cầu các thành viên trong ban quản trị phải học qua lớp quản lý và vận hành chung cư. Vừa qua, thành phố cũng có tuyên truyền, nhưng chưa sâu, chưa mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, thực tế, sống trong tập thể chung cư, đa số người dân không quan tâm đến môi trường sống, rất nhiều lần thành lập ban quản trị nhưng cư bất thành vì lý do đơn giản, cư dân không đến. Thậm chí, mỗi khi họp bàn cư dân, nhiều chủ hộ không đến mà cử người giúp việc, gia sư… đi thay.

Ông Hải nhận định, chính ý thức của cư dân là nguyên nhân quan trọng nhất về mức độ an toàn của các tòa nhà chung cư, kế đến là trách nhiệm của chính các chủ đầu tư cũng còn chưa cao. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện quy chế quản lý, nhằm hạn chế mức thấp nhất về cháy nổ ở các khu chung cư, Sở Xây dựng TP.HCM đã có tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành những quy định cho các khu chung cư, sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới.

Trong khi đó theo ông Huỳnh Ngọc Quang - Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về PCCC (Cảnh sát PCCC TP.HCM) chia sẻ, riêng trong quý I năm 2018, ở TP.HCM đã xảy ra 119 vụ cháy làm chết 15 người, bị thương 32 người. Nghiêm trọng nhất là vụ hỏa hoạn xảy ra ở chung cư Carina Plaza khiến 13 người tử vong và hơn 60 người khác bị thương.

Nạn nhân vụ cháy Carina Plaza: 'Ở chung cư vẫn an toàn hơn nhà phố' - 1
Đại diện các đơn vị liên quan chia sẻ tại Hội thảo "Giải pháp an toàn khi cháy nổ chung cư".

Ông Quang dẫn chứng, trường hợp ở Carina Plaza, dù kiến nghị nhiều lần đến chủ đầu tư, đơn vị vận hành tòa nhà chung cư, nhưng bản thân một số cư dân Carina cũng còn chủ quan vì khi xảy ra cháy tại chung cư này thì cảnh sát PCCC phát hiện các cửa cầu thang bộ đều mở toang hoác, dẫn đến sức nóng từ đám cháy kèm khói xộc thẳng lên các tầng lầu.

Như vậy, chính ý thức phòng cháy chưa cao của cư dân cũng đã khiến cho cầu thang thoát hiểm trở thành “thang tử nạn” cho chính những cư dân không may mắn trong vụ cháy vừa qua.

Nhận định về việc thị trường có bị ảnh hưởng như thế nào sau vụ cháy Carina Plaza, đại diện Tập đoàn LDG thông tin, theo báo cáo của công ty, số lượng giao dịch được chốt qua các tuần mở bán từ thời điểm cháy chung cư Carina đến nay giảm sút 20%. Việc kinh doanh bị tác động là tức thời và kinh doanh là chiến lược dài hạn. Đối với LDG vẫn chọn cách đầu tư 10 tỷ đồng để viết phần mềm, đáp ứng hệ thống PCCC ở nước ngoài, tiên tiến.

Theo Kỳ Phương (Dân Việt)