Xã hội

Nạn nhân bị TNGT gãy 4 xương sườn tử vong: Bệnh viên nói do máy chụp phim

Chỉ sau 1 ngày được bác sĩ phẫu thuật do gãy xương cẳng chân trái, ông Đường bị suy hô hấp và tử vong đột ngột. Phía bệnh viện cho rằng nguyên nhân là do sự hạn chế về phương tiện.

Chẩn đoán ông Huỳnh Văn Đường (60 tuổi, trú xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) bị gãy xương cẳng chân trái do TNGT nên các y, bác sĩ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Huế phẫu thuật. Thế nhưng, chỉ sau 1 ngày, ông Đường bị suy hô hấp và tử vong đột ngột khiến người nhà hết sức bức xúc.

Ông Đường là một trong 6 nạn nhân của vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ, TP Huế vào chiều 21/1; do Nguyễn Xuân Quế (49 tuổi, trú thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) lái ôtô BKS 38C-110.39 chạy tốc độ cao gây ra.

Nạn nhân bị TNGT gãy 4 xương sườn tử vong: Bệnh viên nói do máy chụp phim
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Huế.

Phẫu thuật xong, ông Đường vẫn còn tỉnh táo. Nhưng, đến khoảng 1h sáng ngày 22/1, ông Đường nói bị khó thở, đau ở lưng và ngực. “Lúc này, tôi có đề nghị xin chuyển viện thì có 2 người ở bệnh viện nói rằng, chồng tôi bị hen suyễn, bệnh viện đã xử lý được nên không cần chuyển đi đâu...”, bà Liên tức tối nói.Sau khi bị tai nạn, ông Đường được chuyển vào Bệnh viện CTCH&PTTHTM Huế tại số 102 Phạm Văn Đồng, TP Huế cấp cứu, với chẩn đoán gãy xương cẳng chân trái. Vợ ông Đường - bà Hoàng Thị Phương Liên cho biết, ông Đường nhập viện vào 15h chiều 21/1 và được chẩn đoán gãy chân hở độ 3A nhưng rất tỉnh táo. Sau khi sơ cứu và hội chẩn, đến 18h cùng ngày thì được các y, bác sĩ phẫu thuật.

Sáng 22/1, ông Đường có triệu chứng khó thở, suy hô hấp nên được hồi sức cấp cứu và đến chiều cùng ngày được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế. Ít giờ sau, ông Đường tử vong.

Theo hồ sơ bệnh án được Bệnh viện CTCH&PTTHTM Huế cung cấp cho gia đình nạn nhân, ông Đường bị gãy hở độ 3 A 1/3 xương chày chân trái. Lúc vào viện tiếp xúc tốt, da và niêm mạc hồng nhạt; vùng cẳng chân trái bị đau nhức, sung nề và chảy máu và vận động khó khăn. Ông Đường được can thiệp cấp cứu, chụp phim phổi, cẳng chân và làm các xét nghiệm trước khi phẫu thuật.

Anh Huỳnh Thái Hưng, con trai nạn nhân, cho biết: "Việc chụp phim phổi trước khi phẫu thuật không thấy bệnh viện nói rằng cha tôi bị gãy 4 xương sườn nhưng chúng tôi được biết giải phẫu tử thi có ghi nhận việc này. Còn nữa, cha tôi từ trước đến nay chưa đi khám bệnh tiểu đường, gia đình chưa bao giờ nghe ông bị mắc bệnh này nhưng trong bệnh án lại ghi rằng ông bị bệnh tiểu đường 12 năm".

Nạn nhân bị TNGT gãy 4 xương sườn tử vong: Bệnh viên nói do máy chụp phim - 1
Bệnh án cung cấp cho gia đình chỉ ghi nhận gãy cẳng chân.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Giám đốc Bệnh viện CTCH&PTTHTM Huế, đưa ra một tập hồ sơ bệnh án và khẳng định rằng các công đoạn chuẩn bị phẫu thuật đều được bệnh viện làm rất kỹ. Phương pháp mổ nẹp vít, gây tê tủy sống và có truyền máu. "Trước, trong và sau phẫu thuật bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, cho đến trưa ngày 22/1 thì bệnh nhân rơi vào trường hợp khó thở. Chuyển biến bệnh rất nhanh, chỉ trong 10-15 phút, chúng tôi phải can thiệp đường thở, an toàn mới chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế" – ông Chiến nói thêm.

Theo ông Nguyễn Đức Huệ - Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Huế, nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân Đường tử vong không phải do gãy chân mà có thể “do phổi bị bầm dập, sang chấn thế nào đó”.

Trước câu hỏi của PV về việc tại sao tổn thương phổi của bệnh nhân Đường đã không được phát hiện sau nhiều giờ cấp cứu, phía bệnh viện cho rằng nguyên nhân là do sự hạn chế về phương tiện.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Khiêm - cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Huế (ông Khiêm hiện đang giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Trung ương Huế), bệnh viện ông làm cố vấn có một phòng khám đa khoa với đầy đủ bác sĩ. Ông Khiêm nói, ông Đường đã được chụp phổi trước khi phẫu thuật, nhưng do máy chụp phim phổi là chụp phim thông thường nên không thể chẩn đoán được tổn thương ở phổi bệnh nhân này.

Vụ việc hiện đang được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục làm rõ để kết luận về nguyên nhân tử vong của ông Đường.

Theo Mỹ An (Đời Sống & Pháp Luật)