Xã hội

Muốn thu phí âm nhạc tivi phải chứng minh khách có xem tivi

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mới tuyên bố, từ quý 4-2017 sẽ tiếp tục thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mới tuyên bố, từ quý 4-2017 sẽ tiếp tục thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 12-9, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí về việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiếp tục thu phí âm nhạc trên tivi trong khách sạn.

Ông Bùi Nguyên Hùng khẳng định lại kết luận cuộc làm việc tháng 5-2017 giữa Cục Bản quyền tác giả và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Cục yêu cầu Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tạm dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn.

Việc tạm dừng này sẽ diễn ra cho đến khi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả/chủ sở hữu là hội viên của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác sử dụng, sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch.

* Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mới tuyên bố sẽ tiếp tục thu phí âm nhạc trên tivi trong khách sạn từ tháng 10-2017. Cục Bản quyền tác giả có biết việc này hay không?

- Tại cuộc họp tháng 5-2017, chúng tôi đã nói rõ những điều kiện để Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiếp tục thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn. 

Hiện nay, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thực hiện được những yêu cầu đó chưa để tiếp tục thu? Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải thông tin rõ ràng, minh bạch đến báo chí cũng như dư luận.

Nếu Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiếp tục thu mà lại bị các khách sạn hoặc dư luận phản ứng thì Cục Bản quyền tác giả sẽ phải tiếp tục "tuýt còi".

Có nghĩa rằng, việc thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn là quyền dân sự, khi nào Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xác định được rõ những vấn đề trên, xây dựng được biểu mức tiền phù hợp với thực tiễn hiện tại và được sự đồng thuận với bên khai thác, sử dụng tác phẩm thì mới tiếp tục thu. 

Còn nếu hai bên không thoả thuận được mức tiền quyền tác giả âm nhạc thì có thể kiện ra toà án để giải quyết.

Trên thế giới, có những quốc gia cho phép thành lập các tổ chức đại diện tập thể quyền nghiễm nhiên đại diện cho toàn bộ các tác giả dù đã uỷ quyền hay chưa. 

Thời gian qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam muốn tận dụng điều này, nhưng pháp luật VN thì khác và không thể làm như vậy.

* Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thông báo ngày 18-8, đơn vị này đã có buổi làm việc báo cáo với Cục Bản quyền tác giả. Nội dung cuộc làm việc có phải là cơ sở để Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thông báo tiếp tục thu phí âm nhạc trên tivi trong khách sạn hay không?

- Khi xảy ra sự việc tại Đà Nẵng, chúng tôi đã yêu cầu Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam dừng thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn cho đến khi đáp ứng được các điều kiện đã nêu trên.

Nhưng chúng ta phải công bằng là bên khai thác, sử dụng tác phẩm với mục đích thương mại phải xác định trách nhiệm và nghĩa vụ hướng tới trả tiền bản quyền. 

Hai bên có trách nhiệm thương lượng về mức tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc đã được xác định. Khi đạt được thoả thuận thì đó là quan hệ dân sự.

Buổi làm việc ngày 18-8, Cục Bản quyền tác giả đã nhắc lại những yêu cầu trước đây chứ không phải Cục công bố việc có đồng ý hay không cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiếp tục thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn.

Khi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xác định được giải quyết được những vấn đề còn vướng mắc trước đây thì tiếp tục thu. Chứ đó không phải cuộc họp mà Cục cho phép Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đi thu tiền.

* Vậy Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã giải quyết được những yêu cầu trước đây hay chưa, thưa ông?

- Khi tổ chức khai thác và sử dụng tác phẩm âm nhạc đề nghị Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trưng hợp đồng uỷ quyền của tác giả thì Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam không thể nói rằng không mang xe tải chở hợp đồng theo được. 

Chúng tôi hoàn toàn phản bác điều đó, bởi yêu cầu chứng minh uỷ quyền là hoàn toàn chính đáng.

Dù là tổ chức nào thì khi thực hiện sự uỷ quyền của người khác đều phải chứng minh uỷ quyền. Nếu không trình được giấy tờ chứng minh uỷ quyền thì bên kia có quyền từ chối là đương nhiên.

Khi xác định rõ những điều đó thì hai bên thương lượng với nhau về mức giá tiền.

Mặc dù trên thế giới có những nước thu trọn gói theo phòng khách sạn, nhưng ở VN không thể làm như thế bởi mỗi nước có những đặc điểm thực tế về kinh tế, xã hội, dân trí... khác nhau.

Giải pháp là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nên xây dựng một danh sách các tác giả và tác phẩm đã uỷ quyền và công chứng trong tập danh sách để mang theo. 

Hoặc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam công bố thông tin các tác giả, tác phẩm đã uỷ quyền lên website của mình để công khai, minh bạch.

* Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định sẽ thu mỗi phòng khách sạn có ti vi là 25.000 đồng mỗi năm. 

Vậy con số này được hiểu thế nào, bởi cần đặt giải thiết trên lý thuyết là tivi có thể phát những chương trình không có bài hát nào của các tác giả đã uỷ quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam?

- Việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu bao nhiêu, thu như thế nào, các tổ chức, cá nhân sử dụng có trả hay không, và số tiền thu được có phân phối được đến tác giả hay không là quan hệ dân sự.

Còn số tiền 25.000 đồng mỗi năm thì phải xác định rõ tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ đã uỷ quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phát sóng trên tivi mỗi năm bao nhiêu bài hát, bao nhiêu lần... 

Khi đó thì số tiền thu được mới được chia đều cho các tác giả tương ứng với số lần sử dụng. Đó là cách khoa học nhất. Còn nếu không xác định được thì khi thu được tiền cũng không phân phối được.

Cục bản quyền tác giả không ủng hộ phương án thu cào bằng trọn gói như một số nước, bởi VN đang hưởng lợi từ các thành tựu công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật.

Phải có tác phẩm âm nhạc của tác giả đã uỷ quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam được sử dụng trên tivi trong phòng khách sạn thì Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mới được thu tiền, còn tiền bao nhiêu thì do các bên tự thoả thuận.

* Vậy Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có phải chứng minh khách đến thuê phòng khách sạn có xem tivi thì mới được thu tiền hay không?

- Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải áp dụng khoa học để trích xuất những chương trình phát sóng trên tivi có sử dụng bài hát nào, trên kênh nào, ngày giờ nào và có thuộc uỷ quyền của đơn vị này hay không.

Khi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong khách sạn thì phải đưa ra được những trích xuất đó và chứng minh là khách có xem tivi.

Theo Vũ Viết Tuân (Tuổi Trẻ)