Xã hội

Muốn đi vệ sinh một cách bình thường mà cũng khó!

“Dạo này Cty siết lại quy chế đi vệ sinh, đi nhiều thì bị trừ tiền, cảnh cáo, nhắc nhở, nhà vệ sinh thì xa, số buồng vệ sinh thì ít nên em nhịn cho xong”.

Mấy hôm nay, đứa em cùng phòng trọ của tôi cứ vừa về tới cửa là chụp vội chai nước uống lấy uống để, xong rồi lại “phi” thẳng vào nhà vệ sinh ngồi cả tiếng đồng hồ. Nhìn hành động của em, tôi chỉ sợ em đang mắc bệnh gì đó. Gặng hỏi thì em bảo: “Dạo này Cty siết lại quy chế đi vệ sinh, đi nhiều thì bị trừ tiền, cảnh cáo, nhắc nhở, nhà vệ sinh thì xa, số buồng vệ sinh thì ít nên em nhịn cho xong”.

 

Một vụ ngừng việc vì Cty hạn chế công nhân đi vệ sinh. Ảnh: K.N


Chuyện của đứa em không phải là chuyện hiếm ở những Cty sản xuất. Tôi làm công nhân đã 10 năm nay, cũng từng bị như em, phải “nhịn”, rồi bị viêm đường tiểu vì uống quá ít nước. Nhưng hồi đó tôi còn trẻ, chưa có gia đình, chưa bầu bí, vẫn còn may mắn. Những chị làm cùng tôi lúc ấy khi mang bầu, bác sĩ dặn uống nhiều nước và đi tiểu nhiều, nhưng các chị sợ nên cũng hạn chế uống nước, hạn chế đi tiểu. Không chỉ các chị khổ mà cả con chị, còn đang trong bụng mẹ cũng đã chịu cảnh khổ “hạn chế đi vệ sinh”.

Nhớ đợt trước, gần 900 công nhân của một Cty may mặc ở quận 12 (TPHCM) ngừng việc nhiều ngày liền vì bị Cty hạn chế đi vệ sinh. Đáng nói là một cán bộ của Phòng LĐTBXH quận lại khẳng định đó là cách quản lý của Cty nên “không có gì là sai”, vụ việc không giải quyết được, Cty lại phát đơn xin thôi việc cho công nhân. Đọc tin này, những người cùng chịu cảnh “nhịn” đi vệ sinh như tôi ấm ức nhiều.

Chuyện đã rõ như ban ngày nhưng rồi Cty có thay đổi gì đâu, vì miếng cơm manh áo, công nhân vẫn phải tiếp tục vào làm việc, phải cố gắng chịu đựng và tập thích nghi với việc hạn chế uống nước và “nhịn” đi vệ sinh. Chỉ có điều tôi và rất nhiều chị em công nhân thắc mắc rằng, nếu luật đã quy định, Cty không thực hiện, công nhân đã phản đối, vậy Cty có bị xử lý gì không?

Tôi đọc thấy trong Chương X của Bộ luật Lao động, phần dành cho lao động nữ có yêu cầu doanh nghiệp phải “Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc” cho lao động nữ, “Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”… Đọc thấy luật quy định như thế mà chảy nước mắt.

Chúng tôi chưa bao giờ dám mơ Cty sẽ bố trí cho lao động nữ có phòng tắm và buồng vệ sinh phù hợp ngay tại chỗ làm, chưa bao giờ mơ sẽ được ưu tiên khi bị hành kinh, chưa bao giờ mơ sẽ được ưu tiên đi vệ sinh khi mang bầu bởi biết nó còn xa vời lắm. Chúng tôi chỉ cần được đi vệ sinh khi thực sự có nhu cầu mà không bị dò xét, không bắt lại ghi tên, chờ xin thẻ khi “tào tháo” đã rượt đến nơi… Được thực hiện cái nhu cầu thiết yếu, chính đáng của mình một cách bình thường nhất. Chỉ vậy thôi, mà cũng khó!

(Theo lời chị Nguyễn Bích Nương, từng làm việc tại Cty Young Woo, quận 12, TPHCM)
 
>> Hàng nghìn công nhân đình công ở TP HCM
 
Theo Khánh Ninh (Lao Động)