Xã hội

Mỗi năm mất oan 30 triệu đồng, tài xế kiến nghị dời trạm BOT

Tài xế lái ôtô đưa đón công nhân nói xe họ không đi đường tránh Biên Hòa nhưng mỗi năm bị mất oan gần 30 triệu đồng. Nhiều người ký đơn kiến nghị dời trạm.

Tài xế lái ôtô đưa đón công nhân nói xe họ không đi đường tránh Biên Hòa nhưng mỗi năm bị mất oan gần 30 triệu đồng. Nhiều người ký đơn kiến nghị dời trạm.

Cho rằng trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa đặt trên quốc lộ 1 (đoạn thuộc xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) là sai nên nhiều tài xế đồng loạt phản ứng.

Moi nam mat oan 30 trieu dong, tai xe kien nghi doi tram BOT hinh anh 1

Trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa. Ảnh: Ngọc An

Trước việc xe không lên đường tránh nhưng vẫn bị thu phí, nhiều bác tài đã ký đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và gửi lên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai, kiến nghị lực lượng chức năng dời trạm BOT trên.

“Chúng tôi chở công nhân từ các vùng huyện Thống Nhất, thị xã Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đến Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) và chỉ qua trạm 2 km nhưng mỗi tháng một xe phải trả khoản phí trên 2,2 triệu đồng”, ông Nguyễn Ngọc Huy viết trong đơn.

Theo ông này, mỗi năm, một xe đưa đón công nhân ở Khu công nghiệp Bàu Xéo phải trả gần 30 triệu đồng tiền phí qua trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa. Ông Huy thể hiện trong đơn rằng, trạm BOT đặt tại vị trí trên nên gần 1.000 xe đưa đón công nhân bị ảnh hưởng dù xe không đi vào đường tránh.

Moi nam mat oan 30 trieu dong, tai xe kien nghi doi tram BOT hinh anh 2

Tài xế dùng tiền lẻ trả phí ở trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa ngày 5/10. Ảnh: Ngọc An

Một tài xế tham gia ký đơn kiến nghị dời trạm nói: “Trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa đặt cách đường tránh 10 km là quá vô lý. Tại sao chủ đầu tư không đưa trạm về đường tránh để thu mà đặt trên quốc lộ 1 với khoảng cách xa như vậy để tận thu?”.

Trong khi đó, ông Minh Huy, một chủ doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn huyện Trảng Bom bức xúc: “Lực lượng chức năng để một công ty tư nhân đứng ra sửa chữa, nâng cấp một quãng quốc lộ 1 rồi đặt trạm thu phí án ngữ ngay quốc lộ 1. Đây là tuyến huyết mạch, cửa ngõ ra vào TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Bộ GTVT đã vì doanh nghiệp mà bỏ quên quyền lợi chính đáng của người dân".

Cho rằng chủ đầu tư đặt trạm không đúng vị trí, thu phí cao nên từ đầu tháng 9, nhiều tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm khiến giao thông qua khu vực rối loạn. Ngày 5/10, trước sự phản đối mạnh của tài xế, chủ đầu tư buộc ngưng thu phí và họp bàn với các đơn vị chức năng tìm phương án giải quyết.

Hiện, trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa vẫn ngưng hoạt động.

Moi nam mat oan 30 trieu dong, tai xe kien nghi doi tram BOT hinh anh 3

Quốc lộ 1 ùn ứ khi tài xế trả tiền lẻ. Ảnh: Ngọc An

Các phương án giảm 20% giá vé cho ôtô tại trạm này đã được Bộ GTVT chấp thuận và đang chờ Bộ Tài chính thông qua. Bộ GTVT cũng đồng ý miễn phí vé cho phương tiện của những hộ dân thuộc 4 xã gần trạm là Trung Hòa, Tây Hòa, Đông Thịnh, Hưng Thịnh.

Trước đó, chiều 10/10, trả lời báo chí, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói tỉnh giao các cơ quan tư pháp làm việc với những người có hành vi gây cản trở giao thông trên quốc lộ 1 vào ngày 5/10 để có hướng xử lý. Ông cho biết cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra và nếu đủ yếu tố vi phạm sẽ khởi tố vụ việc.

Về vấn đề này, thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Công an huyện Trảng Bom cho biết cơ quan này đang làm rõ vụ việc tài xế gây cản trở giao thông và chưa thể nói về vấn đề khởi tố.

Trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa do Công ty Đồng Thuận làm chủ đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2014. Trạm sẽ thu phí trong 10 năm để thu hồi vốn cho dự án xây dựng 12 km tuyến tránh Biên Hòa, cải tạo 10 km quốc lộ 1. Trạm đặt trên quốc lộ 1 (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom), cách đường tránh 10 km.

Moi nam mat oan 30 trieu dong, tai xe kien nghi doi tram BOT hinh anh 4

Vị trí đặt trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa. Đồ họa: Minh Trí.

Theo Ngọc An (Tri Thức Trực Tuyến)