Xã hội

Miền núi phía Bắc đối diện nguy cơ sạt lở đất, lũ quét

Dù mưa sau bão Pakhar không lớn, nhưng miền núi phía Bắc vẫn có nguy cơ sạt lở do đất và nước bão hòa sau những trận mưa trước đó.

Dù mưa sau bão Pakhar không lớn, nhưng miền núi phía Bắc vẫn có nguy cơ sạt lở do đất và nước bão hòa sau những trận mưa trước đó.

Bão Pakhar đi vào đất liền Trung Quốc, áp thấp nhiệt đới ở gần bờ biển Bình Định - Khánh Hòa đã tan. Ảnh: NHCMF.

16h ngày 27/8, tâm bão Pakhar nằm trên tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8). Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, trong 6 giờ tới, bão theo hướng tây tây bắc, tốc độ mỗi giờ khoảng 25 km, đi sâu vào tỉnh Quảng Tây và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với rãnh áp thấp mới hình thành sẽ gây mưa diện rộng cho Bắc Bộ từ ngày 28 đến hết 31/8. Tây Bắc và Việt Bắc mưa to (tổng lượng mưa phổ biến 100-150 mm cả đợt). Các tỉnh Bắc Trung Bộ từ ngày 29 đến 31/8 có mưa vừa, một số nơi mưa to.

Tại cuộc họp ứng phó với bão Pakhar sáng nay, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường thông tin thêm, tâm mưa là Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, tập trung ngày 28-29/8. Dù lượng mưa cả đợt không lớn, nhưng các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn có nguy cơ sạt lở do đất và nước đã bị bão hòa sau những trận mưa liên tiếp trước đó.

mien-nui-phia-bac-doi-dien-nguy-co-sat-lo-dat-lu-quet-1

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân vùng núi phía Bắc. Ảnh: Bùi Tuấn.

Cảnh giác với đợt mưa kéo dài bất thường

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với đợt mưa mới. “Từ tháng 6 đến nay, miền núi phía Bắc có mưa lớn, có nơi lượng mưa đo được trên 4.000 mm (trạm Bắc Quang, Hà Giang). Nhiều năm qua, chưa bao giờ xảy ra tình trạng mưa lớn liên tục như thế”, ông Cương nói. 

Theo Bộ trưởng, miền núi phía Bắc bị khánh kiệt do hiện tượng El Nino năm 2016, ảnh hưởng nặng nề bởi mưa từ đầu năm đến nay, riêng trận mưa lũ ngày 2-3/8 đã làm 42 người chết, mất tích. Toàn bộ lớp thực bì, đặc biệt những vùng địa chất hỗn hợp đất đá giờ chỉ còn trơ lớp đá mồ côi. Mưa liên tục hình thành nhiều túi nước, thực bì sinh học giảm chỉ số che phủ, chất lượng rừng kém…

"Với những yếu tố nêu trên, chỉ cần có tác động nhỏ, lượng mưa trên 100 mm sẽ gây cộng hưởng, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước", ông Cường cảnh báo.

mien-nui-phia-bac-doi-dien-nguy-co-sat-lo-dat-lu-quet-2

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão tại cuộc họp sáng 27/8. Ảnh: Võ Hải.

Thứ trưởng Nông nghiệp Hoàng Văn Thắng cảnh báo nguy cơ đối với hồ đập, đặc biệt hồ nhỏ. Các hồ chứa đều đầy nước nên nếu mưa cực đoan (cường độ cao, phạm vi hẹp) thì có nguy cơ vỡ đập, kể cả đập được đánh giá an toàn.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với hoàn lưu áp thấp để giảm thiểu thiệt hại. Các tỉnh ven biển tiếp tục kiểm soát đảm bảo an toàn tàu thuyền, đặc biệt chú ý khu vực có hoạt động tàu du lịch như Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng). 

Bộ Tài nguyên được giao lập bản đồ vùng sạt lở đất, phối hợp với Bộ Xây dựng bố trí dân cư để người dân được sống ở vùng an toàn.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, mùa mưa bão năm 2017 có khoảng 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, nhiều hơn so với trung bình các năm trước (12 cơn). Trong đó khoảng 3-4 cơn đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ; Lượng mưa ở Bắc và Trung Bộ khả năng ít hơn trung bình; còn Tây Nguyên và Nam Bộ, mùa mưa 2017 đến sớm và kết thúc sớm.

Theo Vo Hai (VnExpress.net)