Xã hội

Mất dữ liệu gốc, thí sinh Sơn La có phải thi lại?

Nếu không có dữ liệu gốc, các thí sinh tiêu cực đang lấy đi những cơ hội của các thí sinh khác

Cơ quan điều tra bước đầu xác định ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La, đã nhận chỉnh sửa bài thi trắc nghiệm, nâng điểm bài thi tự luận đối với 13 trường hợp.

Mất dữ liệu gốc, thí sinh Sơn La có phải thi lại?
Trụ sở Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - Ảnh: Nguyễn Hưởng

Đốt CD lưu dữ liệu gốc

Ngày 18-7, khi Bộ GD-ĐT cử một tổ công tác lên Sơn La, lo sợ tổ công tác sẽ kiểm tra, phát hiện và khôi phục được dữ liệu gốc nên ông Trần Xuân Yến hướng dẫn bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Quản lý và Chất lượng Sở GD-ĐT Sơn La) in sao dữ liệu ra CD rồi dùng phần mềm xóa các file dữ liệu đã scan bài thi gốc trong máy tính. Sau đó, tiếp tục tự mình đem tiêu hủy 16 CD này cùng một số tài liệu tại một nghĩa trang ở TP Sơn La.

Việc các CD lưu dữ liệu gốc của thí sinh bị thiêu hủy cũng đồng nghĩa với việc các chuyên gia có thể "bó tay" trong việc khôi phục dữ liệu gốc. Điều này đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo đảm công bằng cho kỳ thi cũng như bảo vệ quyền lợi của các thí sinh không gian lận? Liệu có cần thiết phải tổ chức thi lại ở Sơn La hay không? Vì nếu không có dữ liệu gốc, các thí sinh tiêu cực đang lấy đi những cơ hội của các thí sinh khác. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), từng cho hay tất cả phương án bộ đã chuẩn bị sẵn, hoàn toàn không bị động nhưng lựa chọn phương án nào sẽ phải chờ vào kết quả điều tra của cơ quan công an. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra một phương án cụ thể.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng việc tổ chức lại kỳ thi là điều rất khó khăn vì kỳ thi THPT quốc gia có tác động rất lớn trên phạm vi toàn quốc. "Giải pháp hợp lý bây giờ, theo tôi là cơ quan điều tra phải khai thác thật kỹ, tìm ra những manh mối gửi gắm. Ông Yến không thể nói là không nhớ đã can thiệp bài cho những ai vì còn tin nhắn, tôi tin là ông ta không quên được. Không có tin nhắn với số báo danh nhờ sửa thì sao mà đổi điểm, con em nông dân lấy đâu ra tiền mà chạy" - ông Vinh nói.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh khi không thể tìm được dữ liệu gốc để đi đến tận cùng xem có bao nhiêu bài thi được nâng điểm, hướng giải quyết bây giờ là phải nâng mức phạt đối với những người cố tình gây ra vụ việc này. "Phải đưa vào tội cố tình phá hoại kỳ thi để có khung hình phạt cao hơn. Cơ quan điều tra cần làm rõ còn ai đứng sau ông Yến? Vụ việc nghiêm trọng này phải để Bộ Công an vào cuộc, dư luận mới yên tâm" - ông Khuyến cho biết.

Nhiều bài thi thay đổi điểm sau chấm phúc khảo

Báo cáo từ nhiều địa phương cho thấy hàng chục bài thi đã thay đổi sau khi chấm phúc khảo tại các địa phương theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Theo ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, đã có 1.046 bài thi được phúc khảo theo yêu cầu. Kết quả, môn ngữ văn có 31 bài thi thay đổi điểm, trong đó có 27 bài tăng 0,25 điểm và 4 bài giảm 0,25 điểm. Đối với các môn thi trắc nghiệm, có 7 bài thi (12 môn thi trắc nghiệm) được thay đổi sau phúc khảo do thí sinh tô sai mã đề thi, sau khi chấm phúc khảo đã được tăng điểm.

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ, cho biết có 6 bài thi của tỉnh này được thay đổi điểm. Cụ thể, môn ngữ văn có 3 bài tăng 0,25 điểm, có 3 bài thi tiếng Anh thay đổi điểm do thí sinh tô nhầm mã đề. Tại Đắk Lắk, có 5 thí sinh từ trượt thành đỗ tốt nghiệp sau chấm phúc khảo.

Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành có nghi vấn điểm thi cao bất thường lại có kết quả không thay đổi sau rà soát như: Lai Châu, Hòa Bình. Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lai Châu, khẳng định không có gì bất thường trong quy trình tổ chức kỳ thi tại cụm thi tỉnh Lai Châu. Ông Tuấn cho rằng số lượng bài thi từ 25,5 điểm trở lên của tỉnh này không nhiều.

Theo Yến Anh (Nld.com.vn)