Xã hội

Mập mờ bảng giá quán cơm phở nổi tiếng "chặt chém" ở bến xe Giáp Bát

Bên ngoài treo bảng giá bún phở 20 - 30 nghìn đồng/bát nhưng bên trong lại 1 bảng giá khác, thực tính lại ở mức khác khi chủ quán cố "gạn" để có mức giá tối ưu.

 
Bên ngoài treo bảng giá bún phở 20 - 30 nghìn đồng/bát nhưng bên trong lại 1 bảng giá khác, thực tính lại ở mức khác khi chủ quán cố "gạn" để có mức giá tối ưu.

Theo chân những hành khách vừa từ quê “chân ướt chân ráo” lên Hà Nội tìm việc mưu sinh, chúng tôi vào ăn trưa tại quán cơm bình dân nằm ngay lối vào của bến xe Giáp Bát.

Tấm biển với mức giá “khiêm tốn” cho bát bún phở giá dao động từ 20 – 30 nghìn đồng, khiến ai nấy đều mừng vì rất hợp túi tiền.

Mập mờ bảng giá quán cơm phở nổi tiếng 'chặt chém' ở bến xe Giáp Bát - Ảnh 1

Bảng giá "như mơ" được trưng ra bên ngoài của quán cơm phở ngay cổng bến xe Giáp Bát

Thế nhưng khi rảo bước sang đường để tấp vào quán cơm ấy, chúng tôi liên tục nhận được những cái xua tay của những người xe ôm: Đừng vào đó, vào để mà bị “chém” à. Việc nó treo biển thì nó cứ treo nhưng giá ăn thực tế lại là chuyện khác. Mà đồ ăn còn nguội ngắt nguội ngơ.

Bỏ qua những lời khuyên của xe ôm, chúng tôi bước vào trong quán ăn và gọi món bún gà.

Người đứng bán hàng với gương mặt sắc lạnh chỉ cho chúng tôi ngồi bàn phía bên ngoài. Vì muốn có không gian yên tĩnh nên chúng tôi xin vào ngồi bên trong, nơi có bảng niêm yết giá từng dạng bát bún phở từ tô to tới tô nhỏ và dòng số nhỏ có đề 3 chữ “ĐDN: 043...”, nhưng ai không khéo để ý và suy luận sẽ chẳng rõ những con số đó đề cập tới vấn đề gì.

Mập mờ bảng giá quán cơm phở nổi tiếng 'chặt chém' ở bến xe Giáp Bát - Ảnh 2

Nhưng thực tế bảng giá bên trong lại khác và không phải ai cũng được chiêm ngưỡng bảng giá này vì nó nằm tận bên trong và ít khách có vinh dự được ngồi bên trong quán.

Gọi cho mình bát bún gà, chúng tôi được chủ quán ưu ái bát bún nước trong vắt, với rất ít miếng gà xé nhỏ, cộng thêm đó là cái vị gây gây như của thứ gà đã được để lâu trong tủ lạnh.

Muốn thêm “vị” cho bữa ăn, chúng tôi gọi cho mình ít rau sống, người phục vụ ở đây khẽ thì thầm: “Đừng ăn chị ạ, 10 nghìn đồng/ đĩa rau sống đấy!”.

Thắc mắc với cái giá “trên trời” ấy cũng như việc, ở các quán bún phở khác, rau sống là miễn phí, đi kèm nhưng ở đây giá chát ngoài sức tưởng tượng, người phục vụ nhún vai, trả lời rất chuyên nghiệp: “Ở đây là như thế!”.

Biết là bị “cắt cổ” bởi đĩa rau sống chỉ có khoảng vài ba lá xà lách cùng với ít cây rau tía tô cắt nhỏ, chúng tôi vẫn “sống còn” gọi bằng được đĩa rau cùng hai cốc trà đá.

Mập mờ bảng giá quán cơm phở nổi tiếng 'chặt chém' ở bến xe Giáp Bát - Ảnh 3

Đĩa rau sống với giá 15 nghìn đồng.

Cố gắng tận hưởng cái vị gây gây của những miếng gà trong bát bún vừa gọi, chúng tôi đứng lên thanh toán.

Cái bất ngờ chúng tôi nhận được vẫn từ gương mặt “lạnh như tiền” của người đứng quầy khi đưa ra số tiền chúng tôi phải trả là 75 nghìn đồng.

Chi tiết cho số tiền đó, người này nói: 50 nghìn đồng/bát bún, 15 nghìn đồng/ bát rau sống, 10 nghìn đồng/2 cốc trà đá.

Thêm 1 lần thắc mắc về giá bát rau khi trước được đưa ra với giá 10 nghìn đồng nhưng giờ được đẩy lên mức 15 nghìn đồng, cùng với giá treo bên ngoài chỉ có 20 – 30 nghìn đồng/bát bún phở nhưng giờ lại được hô biến thành 50 nghìn đồng, người này sau 3 giây im lặng, đưa ánh mắt nhìn chúng tôi: “Không xem giá bên trong à?”. Nói tới đây, chị ta quay đi mà không để ý, một thực khách khác cũng đang lắc đầu khi cố nhấm bát bún mình vừ gọi không có chút khói bốc lên.

Người xe ôm lúc nãy lại chạy tới ra chừng muốn hỏi han tình hình. Khi nghe câu từ chối của chúng tôi: “Cháu trả tiền bún hết cả tiền đi xe ôm rồi”, ông lắc đầu, vừa quay đi vừa nói: “Đã bảo rồi mà không nghe...”.

Mập mờ bảng giá quán cơm phở nổi tiếng 'chặt chém' ở bến xe Giáp Bát - Ảnh 4

Một bữa ăn quá sơ sài nhưng được tính bằng mức giá quá "ưu ái" dành cho các thực khách vừa chân ướt chân ráo đặt chân xuống bến xe Giáp Bát

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng “cơm phở giá cao” từ lâu vẫn tồn tại ở quanh khu vực bến xe Giáp Bát và trở thành “hiện tượng”, bà Lý Thị Như Trang – Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) không phủ nhận thực trạng đó.

Theo bà Trang, UBND phường cũng đã rất tích cực trong việc chấn chỉnh giá cả tại các hàng ăn ở khu vực này và yêu cầu các quán ăn phải công khai niêm yết bảng giá cũng như số điện thoại đường dây nóng của UBND phường.

“Ngay sau khi nhận được phản ánh từ cơ quan báo chí, chúng tôi đã cử người xuống kiểm tra. Quán ăn này cũng được niêm yết giá bên trong quán và có số điện thoại đường dây nóng. Để người dân biết rõ đó là số của UBND phường Giáp Bát, chúng tôi sẽ yêu cầu chủ quán cần ghi rõ”, bà Trang nói.

Thêm một thực trạng được chúng tôi ghi nhận về cảnh giá cả bị đưa đẩy tại khu vực bến xe Giáp Bát là những cốc trà được người bán mặc định cho khách là trà túi với giá 10 nghìn đồng/cốc với muôn vàn lý do khó khăn được họ đưa ra...

Theo Hải Nguyên (Nguoiduatin.vn)