Xã hội

Lớp trưởng là chủ tịch: Đừng bắt trẻ làm... "quan"

Câu chuyện "lớp trưởng" sẽ được gọi là "chủ tịch" được đưa ra trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học của Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục gây "bão" trong dư luận.

Câu chuyện "lớp trưởng" sẽ được gọi là "chủ tịch" được đưa ra trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học của Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục gây "bão" trong dư luận.

Mới đây, trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học, bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra mô hình trường học mới với hội đồng tự quản học sinh gồm một chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ban tham gia hội đồng. Trong đó, lớp trưởng sẽ được gọi là chủ tịch hội đồng tự quản.

Bàn luận xung quanh vấn đề này, GS.TS Lê Chí Quế cho rằng: Thực ra lớp trưởng hay chủ tịch cũng chỉ là cách gọi. Tuy nhiên, thiết nghĩ cách gọi này không thích hợp trong môi trường giáo dục ở Việt Nam. Nước ta có một thời gian dài trải qua chế độ phong kiến, đề cao người lãnh đạo. Cứ ai đảm nhận một chức vụ gì đó dù lớn hay nhỏ đều được coi là "phụ mẫu chi dân".

Do đó, trong thời kỳ phong kiến, ai cũng thích có một chức vụ nào đó vừa để được tôn trọng, vừa để khỏi phải đi phu, đi lính. Thậm chí, người ta còn phải bỏ tiền ra để mua quan, mua chức. Hiện tượng thích làm quan, thích làm lãnh đạo kéo dài suốt thời kỳ phong kiến và phổ biến đến tận ngày nay.

Từ những điều kể trên, theo nhà giáo Lê Chí Quế, việc gọi lớp trưởng là chủ tịch sẽ được hiểu là chúng ta đang "phong chức" cho bọn trẻ. Điều này sẽ tạo nên sự ganh đua nhau một cách không lành mạnh giữa các em học sinh trong cùng một lớp. Không thể nói rằng việc thay đổi cách gọi này sẽ không tạo cho trẻ một thói quen xấu, coi trọng chức tước ngay từ khi còn nhỏ.
 

"Lớp trưởng" hay "chủ tịch" chỉ là cách gọi

Một số lớp trưởng tự cho mình là "thủ lĩnh" nên có quyền quát nạt thậm chí đánh bạn cùng lớp. "Nếu tôi nhớ không nhầm, cách đây không lâu, báo chí cũng đăng tải thông tin về vụ một học sinh bị đánh hội đồng ngay trong lớp học rồi quay clip tung lên mạng xảy ra ở Trà Vinh. Nguyên nhân là do học sinh này không nghe lời sai vặt của lớp trưởng nên bị đánh", thầy Quế cho hay.

Ngược lại, cũng có học sinh làm lớp trưởng có thể vì được cô giáo yêu quý, bị ghen gét, đố kỵ hay nhiều lý do khác mà bị các bạn trong lớp ghét, hùa nhau bắt nạt.

Theo vị Giáo sư này chia sẻ, tuy cùng học với nhau trong một lớp nhưng sau khi ra trường, gặp lại nhau, người ta thường hỏi bạn có giữ chức vụ gì không, có nhiều tiền không chứ ít người quan tâm đến việc bạn mình có là giáo sư, tiến sỹ hay không. Và những người làm lãnh đạo bao giờ cũng nhận được sự nể trọng của những người xung quanh hơn so với những người làm khoa học hay các công tác khác.

Học sinh lớp 5 đã biết "phân biệt đối xử"

Xung quanh câu chuyện "lớp trưởng - chủ tịch", chị Trương Phong Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: "Gọi là gì không quan trọng tuy nhiên, đã nằm trong ban cán sự lớp chắc chắn sẽ "oai" hơn các bạn khác. Từ xưa đến nay, việc lớp nào cũng có lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó... là điều hết sức hiển nhiên. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu tôi không chứng kiến một câu chuyện đáng phải suy nghĩ của chính con gái mình".

Theo lời kể của chị Thu, thấy con gái xin tiền mua quà sinh nhật bạn cùng lớp, chị nhạc nhiên vì con hỏi xin những 200 nghìn, trong khi mọi lần chỉ xin 20 - 50 nghìn. Hỏi ra mới biết, lần này là sinh nhật bạn lớp trưởng. Con chị giải thích: "Vì đây là sinh nhật bạn lớp trưởng nên con phải mua quà to và đến sớm nửa tiếng để... giữ quan hệ. Bạn ấy là Vip mà mẹ!". Nghe con gái lớp 5 bô bô lý sự như bà cụ non, chị Thu không biết nên vui hay nên buồn. Những điều này chị không hề dạy con và cũng không biết con học ở đâu nhưng rõ ràng là học từ người lớn.

Nghe con gái kể, chị Thu được biết ban cán sự lớp, đặc biệt là lớp trưởng, lớp phó được cô giáo giao cho rất nhiều trọng trách. Theo đó, lớp trưởng sẽ được thay mặt cô giáo chủ nhiệm quản lý các bạn trong những lúc cô vắng mặt, được quyền đánh hoặc phạt những bạn vi phạm nội quy, làm mất trật tự, nói tục, chửi bậy...

"Tôi không ngờ, cùng là bạn học với nhau trong một lớp mà giữa các cháu lại có sự phân biệt đối xử với nhau như vậy. Tại sao không để trẻ được sống đúng với lứa tuổi của mình? Phải chăng người lớn chúng ta đang vô tình khiến trẻ học theo những thói xấu của chính mình?" - chị Thu thở dài.

"Tây" và "ta" có gì khác?

Chia sẻ với báo Người Đưa Tin, PGS.TS Đào Duy Hiệp (Trường ĐH KHXH&NV) cho hay, nhiều điều trong dự thảo rất tiến bộ. Ví dụ: Không nêu tên học sinh sai phạm trước lớp, cho học sinh quyền tự chủ nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng cho rằng tổ chức lớp còn khá cồng kềnh tên gọi các "chức danh" của lớp có vẻ "to chuyện"!

Nhà giáo Đào Duy Hiệp nhận định: Bản chất tên gọi lớp trưởng hay chủ tịch chỉ là vỏ ngôn ngữ, quan trọng là cách hiểu của chúng ta về công việc của những người được gọi là "lớp trưởng" hay "chủ tịch". Trong quán tính ngôn ngữ của người Việt, từ "chủ tịch" (từ phường, xã trở lên) thường gắn với quyền lực chính trị, tức là quyền bắt người khác phải làm theo ý muốn của mình.

Với cách hiểu đó, thiết nghĩ, người lớn chúng ta không nên tập nhiễm cho các em học sinh ý thức quá sớm về khái niệm này, dù đây chỉ là quyền lực "ảo" vì nó sẽ được luân chuyển giữa các bạn trong lớp trong một học kì. Hơn nữa, cái hại lớn, sâu xa hơn không thể không nói đến có lẽ là việc hình thành trong các em một thói quen xấu là hách dịch. Một xã hội mà có quá nhiều người hách dịch sẽ tiềm ẩn rất nhiều bất an.

Tiếp tục câu chuyện này, thầy Hiệp chia sẻ đã có lần, ông đọc được một bài viết về giáo dục tiểu học ở nước ngoài. Trong đó, có một số điểm ông rất tâm đắc. Đó là tập cho các cháu tự ý thức về đối thoại, chuẩn bị bài và trình bày tại lớp (không được đọc viết sẵn); các bạn trong lớp sẽ "phản biện", người thuyết trình phải trả lời, tốt hay chưa tốt. Tập cho các cháu ý thức tự ứng cử và bầu cử công khai tại lớp cho chức "phát ngôn viên" (tương đương với lớp trưởng của ta), làm trong một thời gian nhất định !

""Phát ngôn viên" là một từ rất "quái" ! Trong ý thức chung, người mang trách nhiệm này chỉ là cái "loa" truyền lại ý kiến (giữ gìn trật tự lớp, giúp đỡ, đôn đốc bạn khó khăn, nếu có, trong học tập,...) của cô chủ nhiệm thôi, chứ anh (chị) ta không có "quyền lực" gì hết ! Ấy thế mà người ra ứng cử vẫn phải chuẩn bị nói năng sao cho dễ nghe, lưu loát, phải đề ra "cương lĩnh" sẽ giúp được các bạn ra sao, giúp cô giáo được những việc gì... Sau đó, đến phần "chất vấn" của "cử tri". Cô giáo chỉ được cầm trịch, chứ không được phép "định hướng dư luận" ! Và cuối cùng là bỏ phiếu, tính cả phiếu của cô. Kết quả được công bố công khai. Sòng phẳng và bình đẳng là cách giáo dục khôn ngoan", thầy Hiệp cho hay.
 
>> Tổ chức bộ máy Hội đồng tự quản học sinh theo mô hình mới
>> Sẽ có chủ tịch hội đồng tự quản học sinh ở lớp tiểu học?

Theo Dương Dung (Nguoiduatin.vn)