Xã hội

Lời kể hãi hùng của người dân sau sự cố thủy điện Sông Bung 2

 "Nước mạnh như sóng thần, ầm ầm đổ về chẳng ai kịp trở tay, tôi chỉ kịp ôm đứa con 6 tuổi rồi chạy lên khu đất cao", ông A lăng Dhep, Phó chủ tịch UBND xã La Êê nhớ lại

 "Nước mạnh như sóng thần, ầm ầm đổ về chẳng ai kịp trở tay, tôi chỉ kịp ôm đứa con 6 tuổi rồi chạy lên khu đất cao", ông A lăng Dhep, Phó chủ tịch UBND xã La Êê nhớ lại
Sự cố vỡ van đường dẫn thủy điện Sông Bung 2 khiến nhiều người lo lắng về chất lượng công trình và độ an toàn khi vận hành. Ảnh: Hoài Văn.

Thôn Pà Ooi (xã La Êê, Nam Giang, Quảng Nam) cách đập thủy điện Sông Bung 2 chừng 5km đường chim bay, là nơi hứng chịu hậu quả nặng nhất từ sự cố vỡ hầm dẫn dòng chiều 13/9. Ba ngôi nhà bị cuốn trôi, hàng chục trâu, bò, tài sản trôi theo dòng nước… “Hồi giờ ở đây chẳng có cơn lũ nào dữ dằn như vậy cả. 

Nước mạnh như sóng thần, ầm ầm đổ về chẳng ai kịp trở tay”, ông A lăng Dhep, Phó chủ tịch UBND xã La Êê, nói. Ông kể, khi sự cố xảy ra, ông đang từ cơ quan về, chỉ kịp ôm đứa con 6 tuổi rồi chạy lên khu đất cao.

Ngoảnh đầu nhìn lại thấy dòng nước dữ đã cuốn phăng ngôi nhà trị giá 500 triệu đồng hai vợ chồng gom góp bao nhiêu năm mới dựng được hồi tháng 11/2015. “Tài sản trong nhà mất hết, tiền tiết kiệm bấy lâu, vàng, chum, ché cổ, trâu, bò… cả tỷ đồng giờ thì trôi hết, còn bộ đồ trên người này thôi”, bà A viết Huệ, vợ ông Dhep, nức nở.

Ông Đặng Đình Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho hay, sự cố xảy ra lúc 4 rưỡi, nhưng phải đến 18h, địa phương mới nhận được thông báo của BQL dự án. “Không biết công tác chỉ đạo điều hành trên đó thế nào, nhưng việc phối hợp và xử lý thông tin chưa được nhịp nhàng. May có lực lượng biên phòng báo về chứ chờ cho bên thủy điện thông báo thì chưa biết chuyện gì xảy ra”, ông Xuân nói.

Lời kể hãi hùng của người dân sau sự cố thủy điện Sông Bung 2 - ảnh 1
A lăng Danh bần thần khi mất hết nhà cửa, tài sản sau sự cố thủy điện.

Chỉ vận hành trở lại khi đảm bảo an toàn

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Việt Hải, Tổng GĐ Tổng Cty Phát điện 2 (chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), cho biết, đã và đang ưu tiên tối đa cho cứu nạn cứu hộ; đơn vị phối hợp huyện Nam Giang kiểm kê, xác nhận về thiệt hại để hoàn thành đền bù trong tháng 9 này, đồng thời mời đơn vị tư vấn thẩm định độc lập lên để đánh giá toàn bộ độ ổn định, an toàn của công trình.

Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị tư vấn, đại diện chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, nhà thầu nghiên cứu, lập các phương án khắc phục sự cố, nhanh chóng đưa công trình vào tích nước, tiếp tục vận hành nếu độ an toàn cho phép. Phương án này sau khi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam thẩm định sẽ được trình lên Bộ Công Thương để thống nhất cách thức xử lý.

“Phải chờ kết quả điều tra nguyên nhân của sự cố này là gì mới có thể xác định được trách nhiệm của ai, như thế nào, từ khâu thiết kế đến khâu thi công, khâu quản lý dự án…, sai sót phần nào thì đơn vị đấy chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi dự án nghiệm thu, đưa vào sử dụng thì đơn vị thi công cũng phải chịu trách nhiệm chính. Luật Xây dựng quy định như vậy. Chúng tôi không trốn trách nhiệm trong chuyện này”, ông Hải khẳng định.

Tuy nhiên, người dân vẫn bán tín bán nghi sau khi nghe chủ đầu tư cam kết đảm bảo an toàn khi vận hành công trình sau sự cố. “Trước khi xảy ra sự cố họ cũng nói an toàn đấy thôi. Mùa mưa lũ bắt đầu rồi, còn bao nhiêu trận lũ sắp tới nữa, biết đâu mạnh hơn thì sao”, ông A lăng Dhep nói.

Yêu cầu thay người điều hành ban quản lý

Sau sự cố xảy ra tại Dự án thủy điện Sông Bung 2, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành đã yêu cầu Tổng Cty Phát điện 2 (chủ đầu tư dự án) làm thủ tục bổ nhiệm Giám đốc BQL Dự án thay cho ông Vương Thành Chung - Phó GĐ phụ trách BQL Dự án, nhằm kiện toàn bộ máy nhân sự và phục vụ công tác điều tra nguyên nhân sự cố, khiến hai công nhân bị cuốn trôi cùng hàng chục ô tô, máy móc, thiết bị, nhà cửa…

Theo Hoài Văn (Tiền Phong)