Xã hội

Lo ngại virus Zika vào Việt Nam dịp Tết

Chiều 2/2, tại cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh mới nổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch bệnh do virus Zika đang khiến nhiều nước trên thế giới phải “đau đầu”.

Chiều 2/2, tại cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh mới nổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch bệnh do virus Zika đang khiến nhiều nước trên thế giới phải “đau đầu”. Nguy cơ dịch này vào Việt Nam là rất lớn vì nhiều quốc gia châu Á đã xuất hiện bệnh nhân.

Cần xem lại hóa chất diệt muỗi
 
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay do diễn biến phức tạp của thời tiết, điển hình như đợt rét lịch sử vừa qua khiến tình hình dịch bệnh khó lường. Dịp Tết nguyên đán lượng người từ các nước có dịch do virus Zika về Việt Nam sẽ rất lớn. Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hàng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh. Vì vậy khuyến cáo những người có biểu hiện sốt thì cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc và theo dõi, phát hiện sớm bệnh (nếu có).
 

TS Vanessa Linden, bác sĩ nhi khoa-thần kinh đầu tiên nhận ra cuộc khủng hoảng bệnh đầu nhỏ ở Brazil, đang khám cho một bệnh nhi 2 tháng tuổi. Mẹ của bé nhiễm virus Zika trong quá trình mang thai (ảnh lớn) - Ảnh: Getty Images. Nhân viên y tế diệt muỗi truyền virus Zika tại Philippines, Peru, Venezuela... Ảnh: Xinhua, Andina, AVN.

Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên, không loại trừ khả năng nguy cơ virus Zika xâm nhập vào nước ta vì trong nước đang có sẵn vecto truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika hoàn toàn có thể lây truyền từ nơi có muỗi Aedes lưu hành. Thêm nữa Việt Nam chưa có miễn dịch cộng đồng căn bệnh này, đây là loại virus mà thế giới chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị. Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra. Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng. Khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói, tới nay muỗi tại Việt Nam vẫn đang sinh sôi mạnh dù thời tiết lạnh. “Cần kiểm tra lại độ nhạy cảm với hóa chất đang được sử dụng để diệt muỗi Aedes hiện nay. Nếu cần, các đơn vị dự phòng xem xét có phải thay đổi hóa chất hay không? Ta cứ kêu gọi người dân phòng tránh muỗi đốt, mà muỗi thì cứ có hoài thì làm sao mà phòng được. Vì vậy, phải diệt ngay các nguồn chứa bọ gậy là nguồn phát sinh muỗi. Người dân cần ý thức lật úp, đậy kín tất cả các dụng cụ có khả năng chứa nước tại nơi mình sinh sống”, bà Tiến nói.

Sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca bệnh mới
 
Báo cáo về tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay đã có hơn 30 quốc gia ghi nhận có dịch do virus Zika, trong đó nhiều nhất là ở châu Mỹ La tinh, Mỹ và cả ở châu Âu. Ngay cả châu Á một số quốc gia đã ghi nhận bệnh do virus Zika gây nên như ở Đài Loan có một người Thái Lan mắc bệnh hay ở Úc có 6 ca đã được ghi nhận.
 

Biện pháp đo thân nhiệt tại các cửa khẩu quốc tế hiện tại liệu có giúp phát hiện bệnh do virus Zika gây ra khi mà có đến 80% ca mắc bệnh này không có biểu hiện lâm sàng? Ảnh: Quốc Ngọc.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS Masaya Kato cho biết, virus Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Mỹ và tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu nặng tại Brasil. Tuy nhiên, lý do WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của virus mà do các biến chứng nguy hiểm của bệnh này đối với trẻ sơ sinh, cụ thể là gây teo não và hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch; do đó sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh trong thời gian tới.

Biện pháp cấp bách là phải truyền thông giúp người dân cân nhắc, hạn chế đến các nước Nam Mỹ, một số nước châu Âu và Đông Nam Á đang có dịch, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vì có một số bằng chứng gợi ý virus Zika có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục.

Xét nghiệm virus Zika chỉ trong vòng 6-8 tiếng

PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết hiện nơi đây đặt vấn đề tập trung giám sát trọng điểm đối với dịch Zika. “Sắp tới, Viện Pasteur TPHCM sẽ triển khai 10 điểm giám sát sốt xuất huyết và Zika ở tất cả 20 tỉnh thành phía Nam”- ông Lân cho hay. Người đứng đầu Viện Pasteur TPHCM cho rằng do biểu hiện lâm sàng của Zika thấp không như sốt xuất huyết, nên phải hạ thấp định nghĩa ca bệnh xuống giúp tăng độ nhạy lên để các điểm giám sát phát hiện được Zika.

Về chẩn đoán xét nghiệm, trong ngày 3/2, Viện Pasteur Paris ở Lào sẽ gửi về cho Viện Pasteur TPHCM đoạn mã gen đầy đủ của virus Zika. Nhờ đó độ chính xác sẽ rất cao, giúp viện đủ năng lực trong xét nghiệm đối với loại virus này, bảo đảm phục vụ khu vực phía Nam. Theo ông Lân, thời gian xét nghiệm sẽ chỉ trong vòng 6-8 tiếng. Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình sốt xuất huyết năm 2016 tại phía Nam tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, nếu các biện pháp kiểm soát không kịp thời. Nhân có nguy cơ virus Zika xâm nhập, vừa phải phòng chống sốt xuất huyết, mà cả hai đều liên quan đến nguồn truyền bệnh là muỗi Aedes nên đây cũng là cơ hội để giám sát, kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện kịp thời hơn cả hai bệnh.
 
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh: Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
 
>> Sự thật gây sốc về virus Zika ăn não người
>> Mỹ phát hiện ca lây nhiễm Zika đầu tiên
>> Việt Nam khuyến cáo thai phụ hoãn du lịch đến vùng có virus Zika
>> WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika
>> Vi rút Zika gây tật đầu nhỏ có thực sự đáng sợ?
>> Virus ăn não người nguy hiểm như thế nào khi vào Việt Nam?
>> WHO cảnh báo có thể 4 triệu người sẽ nhiễm vi rút Zika
 
Theo Thái Hà - Quốc Ngọc (Tiền Phong)