Xã hội

Lỗ hổng trong quản lý 'hộp đen'

Việc quản lý và sử dụng thiết bị giám sát hành trình đã lộ rõ những bất cập sau khi cơ quan chức năng bắt buộc doanh nghiệp phải gắn

Vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam khiến 13 người chết xảy ra hôm 30-7 được xác định do tài xế xe khách mệt mỏi, ngủ gật vì lái xe liên tục 12 giờ. Vấn đề này cho thấy việc kiểm soát hoạt động của phương tiện, tài xế thông qua thiết bị giám sát hành trình, còn gọi là "hộp đen", không có tác dụng như mong muốn ban đầu.

Xử lý đã chậm…

Thiết bị giám sát hành trình được xem là công cụ quản lý hữu hiệu đối với nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải, chủ xe và các cơ quan quản lý khi có thể ghi nhận, tổng hợp thông tin về phương tiện, người lái như vị trí, tốc độ, lộ trình, thời gian lái xe… Thông qua thiết bị này, DN còn có thể giám sát được hàng hóa trên xe hàng, kiểm soát tình trạng nhồi nhét, chở quá số người trên xe khách, từ đó chủ động điều chỉnh các hành vi của tài xế.

Lỗ hổng trong quản lý 'hộp đen'
Đến nay, tất cả phương tiện kinh doanh vận tải cơ bản đã gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định của ngành giao thông

Nhiều ưu điểm là vậy nhưng đang có nhiều bất cập trong việc quản lý cũng như khai thác dữ liệu từ "hộp đen". Về phía DN, hiện vẫn phổ biến tình trạng chỉ gắn cho có; còn cơ quan quản lý lại thiếu hiệu quả trong khai thác, bất cập trong hạ tầng kỹ thuật thông tin.

Tại TP HCM, theo ghi nhận, nhiều tài xế không đồng tình với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình bởi không muốn bị theo dõi, giám sát. Vì vậy, nhiều tài xế cố tình tắt thiết bị, can thiệp vào phần cứng để ngăn truyền thông tin, dữ liệu tới trung tâm kiểm soát. "Những xe chạy đường dài, chủ xe thường muốn khai thác tối đa thời gian, sức lực của tài xế, còn việc gắn hộp đen chỉ như đối phó với quy định" - tài xế Nguyễn Văn Tùng, lái ôtô 16 chỗ, cho biết.

Trong khi đó, theo quy trình hiện nay, thông tin được thiết bị giám sát hành trình ghi nhận sẽ liên tục cập nhật, kết nối với trung tâm dữ liệu thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý vi phạm lại ít được thực hiện liên tục mà phải định kỳ mỗi tháng, những trường hợp vi phạm mới được gửi đến Sở GTVT các địa phương, từ đó mới có văn bản xử phạt.

Nói về cách làm này, nhiều chủ DN cho rằng cơ quan quản lý đã "đẩy hết việc" về cho DN, bởi 1 tháng mới trích xuất và gửi về cho DN là quá lâu. "Tai nạn xảy ra tức khắc, khi tài xế sai phạm. Chủ DN đôi lúc cũng bận, không thể suốt ngày theo dõi tài xế được. Lẽ ra cơ quan quản lý cùng chung tay "cảnh báo" vi phạm của tài xế ngay lúc xảy ra thì hay hơn" - ông Lê Hòa, chủ DN chuyên vận chuyển hàng nông sản, nói.

Về việc cách cả tháng, Tổng cục Đường bộ mới gửi thông tin xe vi phạm đến DN, ông Nguyễn Hùng Thắng - chủ một đơn vị vận tải hành khách tại quận Bình Thạnh, TP HCM - phân tích: Dữ liệu trong "hộp đen" gắn trên xe có thời gian lưu trữ không đồng đều, trong khi quy trình tập hợp số liệu, xử lý thông tin từ "hộp đen" truyền về lại kéo dài, rườm rà khiến nhiều trường hợp DN khó đối chiếu nếu vi phạm. "Hơn nữa, nhiều thiết bị không ổn định hoặc bị hư hỏng, mất sóng nên khó thể kiểm soát, cũng khó xác nhận thông tin truyền về có đúng hay không" - ông Thắng băn khoăn.

…còn thường xuyên nghẽn

Trước vấn đề trên, ông Thắng cho biết DN của ông cùng nhiều đơn vị khác phải thường xuyên truy cập vào trung tâm dữ liệu của Tổng cục Đường bộ nhằm tìm kiếm thông tin, chấn chỉnh vi phạm của tài xế. Tuy nhiên, hệ thống này lại liên tục bị tắc nghẽn.

Theo một chủ DN vận tải chạy xe hợp đồng tại TP HCM, ngoài những vấn đề nêu trên, tại trung tâm dữ liệu cũng tồn tại nhiều bất cập khác, như việc kiểm tra xe đã được truyền dữ liệu lên trung tâm hay chưa, mỗi cơ quan lại làm một cách… Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lê Trí, cho biết việc gắn thiết bị giám sát hành trình đã là một điều kiện bắt buộc trong hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, đa phần việc khai thác, bảo hành và theo dõi đều do DN chủ động làm khi muốn nâng cao chất lượng, kiểm soát hoạt động kinh doanh của mình. Còn đối với cơ quan quản lý, chủ yếu chỉ ghi nhận ở thời điểm đăng ký xe, đăng kiểm, cấp lại phù hiệu…, chứ trong quá trình hoạt động kinh doanh, việc giám sát, thông báo… còn hạn chế.

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, thiết bị giám sát hành trình đã được lắp đặt ở hầu hết các phương tiện kinh doanh vận tải. Vì vậy, dữ liệu cung cấp về Tổng cục Đường bộ là "khổng lồ" nhưng hệ thống xử lý, bao gồm cả con người, lại hạn chế nên nghẽn cũng đúng.

"Ai cũng thấy việc xử lý các hành vi vi phạm qua "hộp đen" hiện nay chỉ phục vụ công tác hậu kiểm tra hoặc chỉ khi xảy ra tai nạn chứ chưa có tác dụng cảnh báo. Trong khi đó, việc cảnh báo mới là quan trọng" - ông Tính nhận xét.

Theo Sở GTVT TP HCM, căn cứ các thông báo của Tổng cục Đường bộ, sở đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm tốc độ, chạy sai hành trình tuyến cố định hoặc không truyền dữ liệu về hệ thống. Để chủ động hơn, sở thường xuyên truy cập vào trung tâm dữ liệu kiểm tra nhằm nhanh chóng chấn chỉnh các vi phạm tại địa phương. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay vẫn là dữ liệu khi trích xuất chưa thống nhất giữa trang thông tin quản lý của các nhà cung cấp "hộp đen" với hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ. 

Theo Xuân Giang (Nld.com.vn)