Xã hội

Liên tục phát hiện ra dấu vết của Người tiền sử tại Việt Nam

Gần đây, các nhà khảo cổ học đã liên tục khai phá ra nhiều dấu tích mới về sự xuất hiện của người tiền sử trên các vùng đất khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 24/9 vừa qua, đại diện Viện Khảo cổ học Việt Nam đã thông tin về quá trình khảo sát, điều tra khảo cổ học tại tỉnh Tuyên Quang.

Quá trình thực hiện khảo sát được tiến hành bắt đầu từ tháng 7/2018. Đến nay, đã phát hiện nhiều điểm có dấu tích văn hóa của người tiền sử trong các hang Pù Chùa (xã Minh Quang), hang Ngần, hang Khỉ (xã Phúc Sơn) đều thuộc huyện Chiêm Hóa.

Liên tục phát hiện ra dấu vết của Người tiền sử tại Việt Nam

Tại các hang động này, dấu tích của người tiền sử tìm thấy chủ yếu tập trung ở gần cửa hang. Khi đào hố thám sát cho thấy tầng văn hóa khảo cổ khá mỏng, chỉ khoảng 0,4 mét. Các nhà khảo cổ thu thập được một số di vật khảo cổ chủ yếu là đồ đá và đồ gốm.

Bộ sưu tập đồ đá gồm gần chục rìu đá mài nhẵn, trong đó có rìu hình tứ giác, rìu hai vai và rìu một vai.

Về hình dáng rìu thì phần lưỡi to, phần đốc thu nhỏ lại và đều được mài từ hai mặt lại, tuy nhiên trên phần thân rìu còn bảo lưu nhiều vết ghè.

Đồ gốm có hàng chục mảnh gồm nhiều mảnh miệng, thân và đáy. Khảo sát những mảnh gốm cho thấy chúng chủ yếu được tạo bằng bàn xoay, chỉ có một số mảnh có dấu vết được nặn tay.

Phần lớn có hoa văn trang trí trên bề mặt với những mô típ kỹ thuật tạo hoa văn cổ sơ như vặn thừng đập, hay khắc vạch hình sóng nước nối tiếp nhau.

Những mảnh gốm này có thể được vỡ ra từ nhiều loại nồi, vò, bình gốm với nhiều kích cỡ khác nhau.

Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, vào kết cấu trầm tích địa tầng văn hóa, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng, hang Pù Chùa là một di tích cư trú của người tiền sử, có niên đại thuộc hậu kỳ Đá mới, có niên đại khoảng 4.000 năm cách nay.

Trước đó, vào ngày 18/9, các nhà khoa học cũng đã thông báo về việc phát hiện ít nhất 3 di cốt người tiền sử cùng hàng vạn mẫu vật được xem là di sản độc đáo trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) ở Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là phát hiện có giá trị vô cùng lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả khu vực Đông Nam Á.

Liên tục phát hiện ra dấu vết của Người tiền sử tại Việt Nam - 1

Di cốt người tiền sử cùng hàng vạn mẫu vật được xem là di sản độc đáo trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông)
Ba di cốt người đã được tìm thấy trong hang động núi lửa gồm 2 di cốt người trưởng thành và một di cốt trẻ em khoảng 4 tuổi, sống ở niên đại cách đây khoảng 7000 năm. hàng vạn vỏ ốc biển cùng số lượng lớn di vật bằng đá, gốm, xương và vỏ nhuyễn thể, mũi tên đồng.

Theo Mỹ An (Sohuutritue.net.vn)