Xã hội

Lãnh đạo thiếu dứt khoát, người Đà Nẵng bỏ về giữa lúc đối thoại

Bức xúc vì lãnh đạo không dứt khoát trong việc có hay không di dời nhà máy thép gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, người dân đã bỏ về khi buổi đối thoại chưa kết thúc.

Chiều 28/2, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan có buổi đối thoại với người dân 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 liên quan đến việc hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc gây ô nhiễm môi trường.

Để chuẩn bị cho buổi đối thoại này, chính quyền xã Hòa Liên đã dựng một cái rạp lớn tại thôn Vân Dương. Hơn 200 hộ dân đã đến đây đối thoại với lãnh đạo Đà Nẵng.

Lãnh đạo thiếu dứt khoát, người Đà Nẵng bỏ về giữa lúc đối thoại
Người dân đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng đóng cửa hai nhà máy thép gây ô nhiễm. Ảnh: Đoàn Nguyên.    

Hàng chục ý kiến tại buổi đối thoại đều bức xúc trước việc hai nhà máy thép liên tục xả khói bụi, gây xáo trộn đời sống của người dân. Họ đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng phải đóng cửa hai nhà máy hoặc di dời dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi khói bụi.

Ông Ngô Chối, ngụ thôn Vân Dương 2, đặt câu hỏi: "TP có giải quyết được vấn đề ô nhiễm khói bụi không? Nếu giải quyết không được thì yêu cầu nhà máy đóng cửa. Nếu TP đưa ra lộ trình di dời thì mong hai nhà máy chấp hành. Dân chúng tôi quá bức xúc".

Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana Ý, cho hay trước đây khi đơn vị đề xuất trồng cây, cách âm, thành phố đã đồng ý nhưng khi xây dựng thì người dân phản đối.

"Bà con yêu cầu tiến độ đi sớm nhưng thủ tục, quy định phải đúng lộ trình", ông Tân nói.

"Ngân sách không đủ, chỉ lo được tái định cư thôi. Vấn đề giải tỏa dân thì công ty ứng tiền, sau này thành phố trả lại cho công ty. Chúng tôi cũng phải vay ngân hàng. Việc kiểm định xong rồi nhưng giờ bà con không cho sản xuất nữa nên nhà máy có nguy cơ phải đóng cửa”, ông Tân nói thêm.

Lãnh đạo thiếu dứt khoát, người Đà Nẵng bỏ về giữa lúc đối thoại - 1
Người dân thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 dựng lán phản đối nhà máy thép gây ô nhiễm. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Trước hàng loạt ý kiến của người dân, ông Hồ Kỳ Minh thừa nhận địa phương đang lúng túng vì từ cuối năm 2016 lãnh đạo thành phố đã nhiều lần đối thoại với dân nhưng chưa giải quyết được vấn đề.

"Thành phố thống nhất phương án là sẽ di dời nhà máy có lộ trình, đồng thời di dời dân. Cả hai phương án này đều không tối ưu. Lãnh đạo thành phố rất lúng túng", ông Minh thừa nhận.

Theo ông Minh, nếu dời nhà máy thì phải cần thời gian tìm địa điểm để xây dựng. Nếu di dân phải đền bù, giải tỏa và cần thời gian. Ông hứa trước người dân rằng thành phố sẽ chọn phương án ít xấu nhất để thực hiện.

Nghe vị Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lặp lại điệp khúc "hứa", rất nhiều người dân bỏ về. "Lãnh đạo không giải quyết được thì chúng tôi chỉ còn cách tiếp tục gây áp lực, không cho nhà máy thép hoạt động", một người dân nói.

Chiều 27/2, sau khi hàng trăm người dân bao vây 2 nhà máy trên vì gây ô nhiễm, ông Minh cũng về để đối thoại với dân nhưng cuộc gặp này buộc phải hủy giữa chừng.

Lãnh đạo thiếu dứt khoát, người Đà Nẵng bỏ về giữa lúc đối thoại - 2
Thôn Vân Dương 2, một trong những thôn bị ảnh hưởng bởi hai nhà máy thép xả thải. Ảnh: Google Maps.

Theo Đoàn Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)