Xã hội

Ký ức thành lập trường: "Tôi và anh Văn Như Cương từng dốc hết túi, bán nhẫn vàng vì trường"

4h sáng người đồng sáng lập trường Lương Thế Vinh nhận được tin thầy Văn Như Cương qua đời. Với ông, đây là một nỗi buồn rất lớn.

4h sáng người đồng sáng lập trường Lương Thế Vinh nhận được tin thầy Văn Như Cương qua đời. Với ông, đây là một nỗi buồn rất lớn.

Ôm nhau khóc như đứa trẻ trong ngày thành lập trường

Trưa ngày 9/10, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), đồng sáng lập trường THPT Lương Thế Vinh đã chia sẻ kỷ niệm với thầy giáo – PGS. Văn Như Cương.

Khi nhắc về kỷ niệm xúc động, sâu sắc nhất với người bạn vong niên, thầy Nguyễn Xuân Khang nhớ nhất những ngày đầu cùng nhau xây dựng THPT Lương Thế Vinh - trường Phổ thông Dân lập đầu tiên trên cả nước vào năm 1989.

ky uc thanh lap truong: "toi va anh van nhu cuong tung doc het tui, ban nhan vang vi truong" - 1

Thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ về những kỷ niệm đối với thầy Văn Như Cương.

Năm 1988, thầy Cương và thầy Khang đã có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xin thành lập một trường THPT tư thục và được Bộ trưởng rất đồng tình, tạo điều kiện tổ chức Hội nghị của Bộ để xem xét.

Vào ngày 11/8/1988, tại số 14 Lê Thánh Tông, hội nghị đã được diễn ra. Sau khi 2 thầy trình bày đề án, cả hội nghị đã nhất trí ủng hộ nhưng giao kèo: 1 tuần họ phải hoàn thiện 3 việc lớn: đặt tên trường, có địa điểm thành lập và đội ngũ giáo viên.

ky uc thanh lap truong: "toi va anh van nhu cuong tung doc het tui, ban nhan vang vi truong" - 2

Với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và học trò, thầy Văn Như Cương luôn gần gũi.

"Sau buổi họp nhận nhiệm vụ, tôi và anh Cương về phấn khởi vô cùng. Trên đường về, 2 anh em đói quá, ghé vào quán phở, vừa ăn rồi hội ý với nhau. Chúng tôi thống nhất, sáng hôm sau, mỗi người đưa ra một tên và địa điểm thành lập trường sẽ do tôi lo. Còn về đội ngũ giáo viên thì lúc này rất thuận lợi, vì giáo dục chưa được phát triển, giáo viên rất thừa, việc tuyển chọn giáo viên không quá khó khăn”, thầy Khang nhớ lại.

Lúc đầu thầy Cương định đặt tên trường là Nguyễn Trường Tộ, tôi đề xuất Lương Thế Vinh. Sau đó, cả 2 thống nhất lấy tên Lương Thế Vinh, bởi Trạng Lường Lương Thế Vinh có thể coi là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam. Cả hai chúng tôi đều làm về khoa học tự nhiên.

Thầy Nguyễn Xuân Khang

Còn về cơ sở đào tạo, may mắn đã được trường Đại học Tổng hợp đồng ý cho thuê lại một số phòng học, phòng thực hành để thực hiện công tác giảng dạy.

“Chiều ngày 2/6/1989, sau khi nhận quyết định thành lập trường tôi đã chạy ngay đến nhà anh Cương để thông báo. Cầm quyết định trên tay mà tôi và anh Cương đều bật khóc.

UBND TP Hà Nội cho phép thành lập trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, PGS. Văn Như Cương làm Hiệu trưởng, tôi làm Hiệu phó.

Với chúng tôi đó là thành quả đầu tiên của những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, để có được nó không dễ dàng chút nào. Lúc đó, tôi đã hơn 40 tuổi, anh Cương cũng đã hơn 50 tuổi, đã "chững" rồi nhưng chúng tôi đều bật khóc như những đứa trẻ vì mừng quá", thầy Khang xúc động nhớ lại. 

Người dốc hết túi, người bán nhẫn vàng... vì trường 

3 tháng sau đó, chúng tôi dốc toàn sức, toàn tâm, toàn lực để kịp khai giảng năm học đầu tiên năm học 1989 – 1990.

Những ngày đầu tiên thành lập trường Lương Thế Vinh, thầy Cương là người vét sạch túi, thầy Khang tháo chiếc nhẫn vàng trên tay đem đi bán để lấy tiền mua con dấu cho trường.

Và hơn cả mong đợi, ngày họp phụ huynh đầu năm đã chật cứng cả 1.000 chỗ ngồi. Thầy Cương không nhớ rõ khi đó mình đã nói những gì, chỉ biết sau buổi họp, con số học sinh đăng ký tham gia lên đến 1.200 người.

Kỷ niệm về những ngày đầu thành lập trường sẽ không bao giờ quên với 2 người thầy xứ Nghệ bởi khi đó cả gia đình học sinh, giáo viên đều nghèo. Phụ huynh có người nộp gạo thay tiền, giáo viên đến xin tình nguyện dạy không công. Từ những ngày đầu khó khăn nhưng 2 thầy đã mang đến thương hiệu "trường Lương Thế Vinh".

ky uc thanh lap truong: "toi va anh van nhu cuong tung doc het tui, ban nhan vang vi truong" - 3

Thầy Khang đánh giá, thầy Văn Như Cương là một người tận tâm với giáo dục.

"Tôi làm việc với anh Cương được 3 năm thì tôi đi theo hướng riêng của mình. Vì tôi vốn là một học sinh chuyên toán, lứa đầu của Việt Nam, sau khi học đại học xong đã ở lại trường Đại học Tổng hợp để dạy học sinh chuyên Toán. Tôi luôn ấp ủ muốn xây dựng một trường năng khiếu tư thục nên đã xin phép thành lập trường phổ thông năng khiếu Marie Curie.

Tôi và anh Cương tuy có những quan điểm riêng về giáo dục, nhưng điểm chung của chúng tôi là đều mong muốn giáo dục Việt Nam phát triển, thoát ra khỏi sự trì trệ, lạc hậu hiện tại, vươn tới nền giáo dục tiên tiến", thầy Khang chia sẻ về quyết định tách ra riêng thành lập trường Marie Curie.

Nghe tin thầy Văn Như Cương qua đời vào khoảng hơn 4 giờ sáng, thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết: "Tôi thật sự buồn lắm”.

“Sau khi nhận tin, những ký ức giữa tôi và anh Cương lại hiện lên rõ nét, như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua khiến tôi vô cùng xúc động. Anh Văn Như Cương sinh năm 1937 còn tôi sinh năm 1949. Tuy không cùng vai phải lứa nhưng trong công việc chúng tôi đã có những lúc gắn bó với nhau, đồng cam, cộng khổ nên đã gắn kết hai chúng tôi lại với nhau như là anh em, bạn bè và là hai người bạn vong niên.

ky uc thanh lap truong: "toi va anh van nhu cuong tung doc het tui, ban nhan vang vi truong" - 4
 

Trong sự nghiệp giáo dục, với tôi, anh Cương là một người rất tâm huyết, rất thông minh và kiên định. Người ta hay nói đến ông Đồ xứ Nghệ vừa thông minh, vừa dí dỏm, vừa kiên định thì những đặc điểm tích cực tiềm tàng trong dân gian phản ánh rất đậm ở con người cụ thể là anh Văn Như Cương.

Tuy là người chuyên toán nhưng cũng rất giỏi về văn thơ. Những câu đối, những câu thơ, những bài thơ ngắn của anh rất sâu sắc, rất dung dị mà nhiều người ngưỡng mộ. Cá nhân tôi, đồng nghiệp, học trò của anh đều ngưỡng mộ.

Sự ra đi của anh Văn Như Cương khiến người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ học trò từ Đại học cho đến trung học nuối tiếc. Nhưng anh Cương có thể yên tâm rời cõi này một cách thanh thản, không có gì phải bận tâm, vướng mắc bởi thành công mà anh để lại cho đời đã được ghi nhận, một con người làm được chừng ấy lúc sống đã là rất quý giá.

Ba năm qua, dù phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo nhưng khát vọng sống, cống hiến trong anh vẫn rất mãnh liệt cái tên Văn Như Cương của mình” – thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ.

Theo Minh Trang (Khampha.vn)