Xã hội

Không xét nghiệm máu vẫn thu tiền của bệnh nhân

Bác sĩ không chỉ định lấy máu xét nghiệm nhưng 270 bệnh nhân vẫn bị thu tiền xét nghiệm và có đến hơn 3.000 trẻ sơ sinh vừa mới ra đời đã bị thu trùng hơn 220 triệu đồng cho bộ đồ sơ sinh.

Không xét nghiệm máu vẫn thu tiền của bệnh nhân
BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận

Ngày 30-1, tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết đã công bố kết luận thanh tra của UBND tỉnh đối với một số nội dung tố cáo tại BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Đáng chú ý trong đó có một số nội dung sai phạm rất nghiêm trọng tại bệnh viện mà cụ thể là khoa Sản.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, nội dung tố cáo có rất nhiều sản phụ nhập viện sinh con, bác sĩ chỉ định hoặc nhiều trường hợp không chỉ định xét nghiệm sinh hóa Ure và LDH, bệnh viện không làm xét nghiệm nhưng vẫn thu tiền của bệnh nhân là có cơ sở.

Được biết xét nghiệm Ure máu và LDH là xét nghiệm thường quy tại khoa Sản. Từ đầu năm 2016, xét nghiệm này được chỉ định cho một số trường hợp bệnh lý sản phụ khoa có liên quan đến bệnh lý thận hoặc cao huyết áp tại thai kỳ.

Kiểm tra ngẫu nhiên 735/3.857 hồ sơ có bảo hiểm y tế từ 1-3-2016 đến ngày 31-8-2016 nhập viện khoa Sản thì phát hiện có đến 270 hồ sơ bác sĩ không chỉ định xét nghiệm, khoa Xét nghiệm không lấy máu của bệnh nhân để xét nghiệm nhưng vẫn thu hơn 6 triệu đồng của bệnh nhân.

Cụ thể, những bệnh nhân này đã bị thu oan mỗi người từ 20.000 đồng đến 45.000 đồng dù không được xét nghiệm.

Đặc biệt từ ngày 1-3-2016 đến ngày 30-12-2016 đã có đến 3.222 sản phụ và trẻ sơ sinh đã bị thu 68.550 đồng/trường hợp với số tiền tổng cộng hơn 220 triệu đồng.
Cụ thể, theo Thông tư của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm tiền thuốc, vật tư tiêu hao, thay thế, các bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh. Tuy nhiên, tại khoa Sản BV Đa khoa Bình Thuận, sản phụ khi vào sinh con hoặc mổ lấy thai ngoài việc đã tính phí trọn gói theo giá quy định, bệnh viện còn thu thêm bằng hóa đơn riêng.

Qua kiểm tra đã xác định khoa Sản đã lập hóa đơn thu trùng bộ đồ sanh gồm: Áo sơ sinh, khăn lau khô trẻ sơ sinh, bộ băng rốn, bao đo máu sau sinh mà mỗi sản phụ phải trả thêm 68.550 đồng. Trong khi danh mục định mức tạm thời giá dịch vụ y tế mà Bộ Y tế phê duyệt đã tính trọn gói bốn vật dụng này.

Đối với nội dung tố cáo việc áp dụng kỹ thuật thay khớp háng và thay dây chằng khớp gối khi mua về không nhập kho mà chuyển thẳng cho bác sĩ P. trưởng khoa Ngoại Chấn thương là người duy nhất tại bệnh viện thực hiện những giải phẫu này có dấu hiệu tiêu cực khi bảo hiểm y tế (BHYT) không chấp nhận thanh toán vì phát hiện tem dán trên vật tư không đúng danh mục đã đăng ký làm thiệt hại mỗi ca mổ hàng chục triệu đồng.

Đoàn xác minh đã kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân NNT nhập viện tháng 9-2016 do đứt bán phần dây chằng chéo trước, rách sụn chêm gối phải. Bệnh nhân đã được thay vít dây chằng chéo. Bệnh nhân T. đã thanh toán hơn 7,5 đồng (đóng 20% do có BHYT) phần còn lại hơn 30 triệu đồng, thế nhưng bệnh viện lại không đề nghị BHYT thanh toán vì hiện nay chứng từ thanh toán viện phí của bệnh nhân T. đã… thất lạc!

Theo đoàn thanh tra, việc thất lạc chưa xác định rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm thuộc về ai. Tuy nhiên, trước mắt trách nhiệm này thuộc về Phòng Tài chính Kế toán của bệnh viện với tư cách là bộ phận quản lý hồ sơ chứng từ.

Đối với việc BHXH Bình Thuận phát hiện tem dán trên vật tư không đúng, giám đốc BHXH tỉnh cũng đã có văn bản cho biết “Đối chiếu 67 hồ sơ bệnh án trong đó có 17 hồ sơ dán tem khớp háng đúng quy định; 50 hồ sơ dán tem khớp háng, vật tư không đồng bộ, tem không rõ nguồn gốc hoặc tem giống photo. Một số tem dán chưa thông qua đấu thầu hoặc mua ngoài thầu theo quy định.

Trong đó có các loại tem ổ cối, vít bắt ổ cối, đầu xương đùi, lớp đệm, cuống xương đùi không rõ nguồn gốc, tem dán chưa thông qua đấu thầu hoặc mua ngoài thầu”. Theo đoàn thanh tra đối với tố cáo này chưa xác định được do không có chứng cứ là chứng từ thanh toán viện phí.

Từ những sai phạm trên, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo giám đốc BV Đa khoa tỉnh kiểm điểm làm rõ trách nhiệm những tổ chức, cá nhân trong việc thu tiền của bệnh nhân không đúng quy định. Chi trả lại tiền cho 3.216 người mẹ sinh con (có sáu trường hợp sanh đôi) với tổng số tiền hơn 220 triệu đồng. Chi trả lại tiền cho 270 bệnh nhân do không xét nghiệm vẫn thu tiền của bệnh nhân. Yêu cầu bệnh viện thong báo các trường hợp nêu trên đến bệnh viện nhận lại số tiền thu sai nói trên. Quá trình chi trả có vướng mắc, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế và UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Mặc dù trách nhiệm những sai phạm trên thuộc Phòng Tài chính kế toán, khoa Sản và phó giám đốc bệnh viện phụ trách việc theo dõi giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng đề nghị ông Nguyễn Hữu Quang, nguyên giám đốc bệnh viện trong thời gian trên với cương vị là người đứng đầu phải thực hiện kiểm điểm, xác định trách nhiệm.

Theo Phương Nam (Pháp Luật TP HCM)