Xã hội

Khi nào được nổ súng không cần cảnh báo?

Chiều 16-9, thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chiều 16-9, thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thượng tướng Bùi Văn Nam trình bày nội dung dự án luật - Ảnh: Cổng TT Quốc hội

Khi nào được nổ súng không cần cảnh báo?

Theo thượng tướng Bùi Văn Nam, pháp lệnh hiện hành đã quy định về nguyên tắc và các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, quy định của pháp lệnh chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong công tác cảnh vệ để ngăn chặn hoặc tiêu diệt đối tượng sử dụng vũ khí tấn công đối tượng cảnh vệ thì được phép nổ súng ngay mà không cần cảnh báo.

Theo đó, dự luật đưa ra “quy định nổ súng” tại điều 21, trong đó quy định rõ nguyên tắc: “Việc nổ súng phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định”;

“Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay”.

Đối với “những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo”, dự luật thể hiện:

Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên;

Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

Động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Ai quy định đạo đức người sử dụng vũ khí?

Đại diện ban soạn thảo dự án luật, trung tướng Nguyễn Công Sơn trình bày một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Tướng Sơn cho biết riêng lực lượng thuộc Bộ Công an đã có hai, ba trăm nghìn người được trang bị vũ khí, vật liệu nổ.

“Chúng tôi có quy trình huấn luyện sử dụng, kiểm tra rất chặt chẽ, tránh tình trạng những người có bệnh tâm thần, hoang tưởng được cầm vũ khí. Tất nhiên trong quá trình sử dụng thì chuyện sử dụng sai mục đích cũng xảy ra” - ông Sơn nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh hỏi: “Dự án luật quy định người được sử dụng vũ khí phải có phẩm chất đạo đức, vậy thì ai là người công nhận phẩm chất đạo đức và ai là người quyết định tước vũ khí khi người sử dụng không đủ phẩm chất?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cho biết “thực tế sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thời gian qua có vấn đề gì không? Ban soạn thảo đã tổng kết vấn đề này chưa?”.

Giải đáp, tướng Sơn cho biết đối với tiêu chuẩn đạo đức, sức khỏe của người được sử dụng vũ khí, thì ngay khi tuyển người vào làm việc tại các ngành công an, quân đội đã có quy định rất chặt chẽ.

“Còn đối với việc sử dụng vũ khí, trong thực tế thì cũng có trường hợp đáng nổ súng thì anh em lại dè dặt, bó tay; cũng có trường hợp chưa đáng phải nổ súng thì lại mạnh tay. Đó là do trình độ nhận thức, năng lực nghề nghiệp” - ông Sơn cho biết.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị phải quy định rõ tất cả các trường hợp được phép nổ súng ngay tại điều 21 của dự luật này, trên cơ sở rà soát tất cả các luật có liên quan.

“Đây là vấn đề rất hệ trọng, cần quy định rõ ràng, minh bạch, tập trung tại một luật” - ông Chiến đề nghị.

Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)