Xã hội

Khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh để đánh giá công bằng

Hôm nay (22.10), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng được dư luận và cử tri quan tâm là, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh để đánh giá công bằng
Biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử tại Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Theo đó, có 48 người đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp sẽ diễn ra trong 24 ngày, từ ngày 22.10 đến 21.11. Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn, 1,5 ngày làm công tác nhân sự và lấy phiếu tín nhiệm các chức danh.

Lấy phiếu tín nhiệm trước phiên chất vấn

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp này, công tác nhân sự bầu Chủ tịch Nước sẽ được bắt đầu từ 22.10, kết quả sẽ được công bố vào chiều 23.10, ngay sau đó Chủ tịch Nước sẽ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.

Ông Phúc cũng cho hay, một trong những nội dung quan trọng được dư luận và cử tri quan tâm tại kỳ họp này đó là, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngay đầu kỳ họp. Theo đó, có 48 người đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm gồm các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ, Phó Chủ tịch Nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Hai trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm do chưa đủ thời gian công tác 9 tháng gồm Chủ tịch Nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Phúc cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện ở đầu kỳ họp và diễn ra trước phiên chất vấn để việc đánh giá của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được công bằng, khách quan. Các ĐBQH sẽ căn cứ vào quá trình công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến giữa nhiệm kỳ gần 3 năm và thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua theo dõi từng lĩnh vực hoạt động từng người phụ trách để đưa ra đánh giá. Bên cạnh đó, ĐBQH còn căn cứ vào báo cáo tự đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá.

Theo ông Phúc, điểm mới của kỳ họp này, đó là hoạt động chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ,… Các ĐBQH sẽ tập trung chất vấn những vấn đề các thành viên Chính phủ chưa làm được và “truy” khi nào làm được, Đại biểu hỏi đến người nào thì người đó sẽ trả lời theo nội dung câu hỏi. Ông Phúc nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch Nước, cũng là cái mới. Đây là ứng cử viên được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu, trong lịch sử chưa từng có.

Khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh để đánh giá công bằng - 1
Hoạt động bỏ phiếu tại Quốc hội. Ảnh: TTXVN

2 phương án xử lý tài sản không giải trình hợp lý về nguồn gốc

Cũng theo ông Phúc, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đây là dự án luật được cử tri quan tâm. Trong đó, vấn đề còn có ý kiến khác nhau là vấn đề xử lý tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Dự thảo đề xuất 2 phương án trình Quốc hội xem xét quyết định. Phương án 1 là việc xử lý sẽ do toà án xem xét, quyết định. Phương án 2, trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

* Trao đổi với PV Báo Lao Động, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết: Để chuẩn bị cho việc đánh giá tín nhiệm của các tư lệnh ngành, trước kỳ họp các ĐBQH đã nhận được bản kiểm điểm của cá nhân, Bộ trưởng các ngành trong diện được đánh giá. Tuy nhiên để đánh giá sát, thực tiễn thì cần căn cứ vào quá trình thực tiễn của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Căn cứ vào quá trình điều hành trong công tác đảm đương nhiệm vụ, thể hiện năng lực hoạt động điều hành của các bộ, của Quốc hội cũng như hoạt động trả lời chất vấn. Đặc biệt, như các Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành, quá trình đóng góp, điều hành bộ ngành đó kết quả được thể hiện như thế nào. Và tín nhiệm của cử tri đối với Bộ trưởng như thế nào.

* Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho biết: “Hiện nay các đại biểu đã có báo cáo để nghiên cứu làm cơ sở để đánh giá. Ngoài ra, các ĐBQH khi đánh giá cũng sẽ nhìn lại quá trình của các chức danh từ khi Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cho đến nay như thế nào. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao đã hoàn thành, hoàn thành tốt hay chưa thì các địa phương cũng có theo dõi và giám sát.

Theo Nhóm PV (Lao Động)