Xã hội

Hơn 2.000 đoàn đi nước ngoài trong năm 2015

Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cả năm vẫn có trên 2.000 đoàn đi nước ngoài, chủ yếu để học tập kinh nghiệm chứ chưa có chương trình hợp tác cụ thể.

Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cả năm vẫn có trên 2.000 đoàn đi nước ngoài, chủ yếu để học tập kinh nghiệm chứ chưa có chương trình hợp tác cụ thể.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, nhận thức của doanh nghiệp và người dân Việt Nam về cộng đồng ASEAN còn rất hạn chế.

Theo khảo sát gần đây của VCCI, 60-80% doanh nghiệp chưa hiểu biết về cộng đồng ASEAN. Trong khi nhiều nước ASEAN rất quan tâm tới thuận lợi của nội khối thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm tới thị trường EU, Nhật, Hoa Kỳ, vì vậy sẽ không tận dụng được thuận lợi của cộng đồng.

Phó thủ tướng cũng cho hay, năm 2015 số lượng đoàn đi thăm nước ngoài giảm 10% so với năm 2014, còn 2.105 đoàn. Tuy nhiên nhiều đoàn vẫn chủ yếu đi học tập kinh nghiệm mà chưa có chương trình hợp tác cụ thể, hiệu quả chưa cao.

Trước đó, nhiều tỉnh, thành tổ chức chuyến đi "học tập" và "nghỉ dưỡng" cho nhiều lãnh đạo sắp về hưu như Bình Phước, Tiền Giang, Đắk Lắk. Tại Tiền Giang, tỉnh này lên kế hoạch tổ chức cho cán bộ đi nước ngoài "học tập kinh nghiệm" làm xổ số.

Hồi tháng 10 và 11/2014, tỉnh cũng cử 2 đoàn công tác gồm 10 người đi Mỹ theo nguồn kinh phí trích từ hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết tỉnh Tiền Giang.

Cũng với mục đích cho cán bộ đi nước ngoài học tập, tại Bình Phước, ngày 6/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng đã ký quyết định tổ chức đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm làm xổ số ở Canada.

Sau khi báo chí đưa tin, các tỉnh lập tức hủy quyết định. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản nhắc nhở các ngành, các địa phương siết lại việc cử đoàn đi nước ngoài bằng ngân sách.

2016 điều hành kinh tế vĩ mô khó khăn hơn

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định, năm 2016 thuận lợi có rất nhiều, khó khăn có không ít.  Điểm đáng lưu ý là điều hành kinh tế vĩ mô sẽ khó khăn hơn 2015, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu xuống thấp hơn cả chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Vì vậy, Chính phủ phải quản lý chặt chẽ ngân sách và có phương án cơ cấu lại thu chi ngân sách, quản lý nợ công, tín dụng bất động sản.

Cùng chung nhận định, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giá dầu năm 2016 có khả năng tác động khá lớn tới ngân sách khi về mức 30 USD/ thùng. Vì vậy, việc chi tiêu phải triệt để tiết kiệm.

Sau hơn 1 ngày nghe ý kiến của các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2016, tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đột ngột và có nhiều mặt tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP.

 
Thủ tướng đánh giá, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cạnh tranh trong kinh tế thị trường rất là quyết liệt, cạnh tranh gay gắt trên nhiều phương diện.

Về các giải pháp cho năm 2016, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Dẫn chứng về việc phát huy nguồn lực trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, y tế, Thủ tướng lưu ý các địa phương phải chủ động phát huy nguồn lực xã hội.

"Các địa phương không thể cứ cắp cặp về Hà Nội để xin ngân sách. Chúng ta phải đột phá, huy động vốn đầu tư xã hội chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách, vào trái phiếu" - Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới việc đột phá về nguồn nhân lực, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường kiểm soát việc tăng biên chế, đảm bảo hiệu quả đầu tư công, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả cạnh tranh.

Theo Công Khanh (Zing.vn)