Xã hội

Hội uống rượu tiết gà thề không tham nhũng

Sau khi thề không tham nhũng, các chức sắc mới được phong ở thôn Hòa Liễu (Kiến Thụy, Hải Phòng) cắt tiết gà uống rượu thể hiện quyết tâm của kẻ sĩ, "chí công vô tư".

Sau khi thề không tham nhũng, các chức sắc mới được phong ở thôn Hòa Liễu (Kiến Thụy, Hải Phòng) cắt tiết gà uống rượu thể hiện quyết tâm của kẻ sĩ, "chí công vô tư".
9h ngày 14 tháng Giêng (4/3), lễ hội Minh thề được tổ chức tại Miếu thờ Thành hoàng ở thôn Hoà Liễu (xã Thuận Thiên, Kiến Thuỵ, Hải Phòng)

Tương truyền giữa thế kỷ XVI, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đến ấp Lan (nay là thôn Hoà Liễu) bỏ tiền và vận động công đức tu tạo ngôi chùa cổ, tậu ruộng cho dân cày cấy, lập quỹ nghĩa thương giúp đỡ người nghèo, cố nhân, quả phụ. Cũng chính từ đây bà cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh thề quy định lấy chí công làm trọng - người nông dân không phân biệt giàu, nghèo, với khí phách kẻ sĩ không vì cơ hàn mà xâm phạm của công.
 
Trải qua 5 thế kỷ, lễ hội từng có thời kỳ bị mai một và biến mất. Năm 2003, lễ hội được khôi phục, đón tiếp đông đảo dân làng cùng khách thập phương tới dự. 
 
Tuy nhiên, lễ hội thề không tham nhũng chỉ diễn ra trong quy mô của thôn Hoà Liễu, quan chức xã và huyện chỉ về dự, đánh trống khai hội và chứng kiến chứ không tham gia thề.
 
Sau khi làm lễ thắp hương trời đất, chủ tế cầm dao làm động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2 mét ở giữa sân miếu gọi là Đài thề.
 
Chủ tế cắm mạnh con dao vào tử địa vòng thiêng tượng trưng cho sự quyết tâm của dân làng trước trời đất.
 
Đại diện tư văn dõng dạc đọc Minh thề: "Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt".
 
Lễ hội Minh thề không chỉ là một tín ngưỡng dân gian mà còn có ý nghĩa giáo dục: nhắc nhở các chức sắc trong làng chí công vô tư, không lấy của công làm của tư, không lấy uy danh chèn ép người nghèo. Đối với người dân, lễ hội nhằm giáo dục người dân bản tính lương thiện, không chứa chấp gian tà, không trộm cắp...
 
Sau khi đọc sắc phong cho mỗi một vị chức sắc trong thôn, tất cả lại đồng thanh hô lớn "Xin thề...".
 
Kết thúc bài hịch, một con gà được đặt trên mâm lễ rước từ đền ra trước Đài tế. 
 
Chủ tế dùng con dao bầu làm lễ "Huyết linh trích cổ kim kê".
 
Tiết gà được hứng vào trong một bình rượu đặt trước Đài tế để mọi người cùng uống máu ăn thề, tượng trưng cho sự đoàn kết, nhất trí.
 
Rượu thề được múc ra từng chén nhỏ để dâng lên các chức sắc trong làng mới được sắc phong.
 
Máu linh kê được cho là rất linh thiêng bới quan niệm xưa gà là linh vật có thể liên thông giữa trời và đất, ánh sáng và màn đêm bằng tiếng gáy. 
 

Nhờ công lao với dân làng và đặc biệt là tính trung thực, liêm khiết, ông Phạm Phú Oang (chủ tế) đã được dân làng lựa chọn làm trưởng thôn suốt 19 năm qua.


Rượu thề liên tục được rót mời các quan làng, bồi lễ... Từ 13 năm nay khi lễ hội được khôi phục trở lại, người dân làng không còn uống rượu thề mà chỉ đến xem.
 

Cụ Nguyễn Văn Huyền (86 tuổi) cùng các bô lão đại diện cho dân thôn uống rượu thề làm chứng và cũng chính là những người kiểm tra và giám sát lời thề của các chức sắc trong làng. Mặc dù được mời rượu sau khi hết lễ tế nhưng không một quan chức xã, huyện hoặc đại biểu nào tới dự đồng ý uống, tất cả đều từ chối khéo.



Theo Anh Tuấn (Zing.vn)