Xã hội

Học sinh đóng cảnh nhạy cảm trong tiết Văn: 'Sáng tạo để môn học hấp dẫn'

Những tiết học sân khấu hóa của thầy Phạm Quốc Đạt được nhiều học sinh đánh giá là hấp dẫn, tạo cho họ cảm hứng học Văn.

Trước những quan điểm trái chiều về việc thầy Phạm Quốc Đạt (trường THPT Võ Trường Toản, TP HCM) cho học sinh diễn lại các tác phẩm văn học có cảnh nhạy cảm, một số học trò của ông đã lên tiếng.

Nữ sinh lớp 11B4 cho biết, hồi học kỳ một (cuối năm 2018), lớp được chia thành nhiều nhóm để ý tưởng kịch bản, sân khấu hóa một số tác phẩm văn học. Trong đó, tác phẩm Bỉ vỏ (Nguyên Hồng) và Số đỏ (Vũ Trọng Phụng) được một nhóm lên kế hoạch khá chi tiết, các đoạn hội thoại thay đổi cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo cốt truyện.

Họ đã dùng hiệu ứng hắt bóng sau tấm màn để thể hiện cảnh nhân vật Tám Bính bị cưỡng hiếp, cảnh ân ái của Xuân Tóc Đỏ và Tuyết. Để tạo bất ngờ cho giờ "công chiếu", các bạn đã giấu thầy Đạt đến phút cuối.

"Cảnh nhạy cảm diễn trong thời gian rất ngắn, các bạn dùng nhiều kỹ xảo khác nhau. Có đoạn các bạn dùng hai cái ghế, một người nằm trên ghế, người kia ngồi ở ghế bên kia rồi diễn. Đoạn khác thì cảnh nhạy cảm do hai bạn nam đóng, trong đó một người dáng nhỏ đội tóc giả sắm vai nữ", nữ sinh nói.

Theo cô, nội dung nhạy cảm trong các tác phẩm được đưa vào vở diễn không đơn thuần là gây sự chú ý, đánh vào trí tò mò mà có vai trò quan trọng. "Bằng cảm nhận sau khi đọc kỹ tác phẩm, em và nhiều bạn không thấy phản cảm với những cảnh đó, ngược lại đây là sự sáng tạo. Quá trình làm việc, dàn dựng cũng giúp em hiểu sâu và thích môn Văn hơn", nữ sinh chia sẻ.

Học sinh đóng cảnh nhạy cảm trong tiết Văn: 'Sáng tạo để môn học hấp dẫn'
Cảnh tái hiện nhân vật Tám Bính trong Bỉ vỏ bị cưỡng bức. Ảnh: Cắt từ video của học sinh quay lại.

Tham gia tổ chức trong một vở diễn, Trần (lớp 11B4) khẳng định "không có sự đụng chạm cơ thể giữa hai người khác giới". Nam sinh nói thấy ấm ức khi các cảnh nhạy cảm chỉ là một nét mảnh trong vở diễn, song bị mọi người soi mói, phủ nhận công sức cả quá trình.

"Bạn nào xem hết vở kịch sẽ có cái nhìn khác. Việc học Văn theo kiểu thầy giảng trò chép đã cũ, sự sáng tạo này giúp chúng em hào hứng hơn rất nhiều", Trần cho biết. Cậu cũng muốn mọi người có cái nhìn công bằng về thầy Đạt bởi "nếu có sự phản cảm thì đó là lỗi của học sinh đã giấu giáo viên".

Một số em thuộc lớp thầy Đạt dạy môn Văn bày tỏ mong muốn nhà trường xem lại quyết định đình chỉ dạy học của giáo viên này. "Em không biết có chuyện gì xảy ra sau đó vì chúng em chỉ đến trường học rồi về. Nhưng được học và làm việc chung với thầy Đạt rất thú vị, nhiều bạn thấy thích môn học này trở lại. Thầy cũng quan tâm nhiều đến học sinh, giảng bài hay, vui tính", một nữ sinh cho biết.

Nói về các tiết học ngoại khóa, sân khấu hóa tác phẩm văn học, thầy Phạm Quốc Đạt cho biết việc tổ chức diễn ra thường xuyên kể từ khi ông tốt nghiệp sư phạm và về trường hơn 10 năm trước. Ông nhận thấy, các tiết học như vậy buộc học sinh phải làm việc nhóm, đọc và hiểu tác phẩm kỹ hơn và phải động não sáng tạo, tìm cách thể hiện. "Học sinh từ đó hứng thú học Văn. Đây cũng là cách khiến các em tiếp cận môn học một cách sâu sắc mà nhẹ nhàng", ông nói.

Các tiết văn ngoại khóa nằm trong tiết học buổi hai, theo quy định giáo viên có toàn quyền quyết định, được linh hoạt về hình thức và chú trọng giáo dục kỹ năng.

"Việc tôi tổ chức các buổi sinh hoạt trên không thông qua tổ Văn là không sai. Tôi thấy khó chịu trước những dèm pha của dư luận khi một số hình ảnh về các vở diễn của học sinh được chia sẻ trên mạng. Dường như người ta không biết đằng sau tấm màn đó là gì, không quan tâm đến giá trị các em thu được. Tôi không thích ai đó chỉ nhìn bên ngoài rồi xúc phạm học trò của mình", ông nói.

Học sinh đóng cảnh nhạy cảm trong tiết Văn: 'Sáng tạo để môn học hấp dẫn' - 1
Ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản. Ảnh: Mạnh Tùng.

Trước đó, trong buổi tiếp xúc với truyền thông về việc kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ dạy học thầy Đạt, ông Lương Văn Định (Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản) cho biết không quan tâm "phía sau tấm màn chiếu" mà quan trọng là hình ảnh cuối cùng người xem thấy. "Tôi không rành điện ảnh. Tôi thấy cảnh đó, học sinh tôi thấy cảnh đó, tôi không quan tâm đến cách làm ra nó nhưng khi xem thì tôi không chấp nhận được", ông Định nói.

Ông Định khẳng định, việc tổ chức sân khấu hóa có các cảnh nhạy cảm không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc kỷ luật ông Đạt. Quyết định này được tổng hợp từ nhiều lỗi của giáo viên, gồm sai phạm nghiêm trọng hoạt động chuyên môn và xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác khi hoạt động nghề nghiệp.

Trong chuyên môn, ông Đạt bị cho là tự ý thay đổi phân phối chương trình buổi thứ hai môn Văn, cho làm bài kiểm tra với nội dung không thống nhất với tổ chuyên môn. Khi được nhắc nhở về việc tổ chức sân khấu hóa môn Văn không thông qua tổ, thầy Đạt không nhận lỗi.

Cũng theo biên bản của trường, ông Đạt đã đi làm trễ 16 lần trong học kỳ một, có những phát ngôn không chuẩn mực. Những sai phạm này diễn ra trong thời gian dài, từ trước và sau khi thầy Đạt cho học sinh sân khấu hóa tác phẩm văn học.

"Nhiều thầy cô còn bức xúc nói rằng tại sao không kỷ luật thầy Đạt sớm hơn. Nếu thầy chân thành nhận sai và sửa đổi, thì một thời gian, chúng tôi sẽ khôi phục công việc của thầy", ông Định nói và cho biết quyết định trên được sự đồng thuận của đa số tập thể giáo viên, không mang tính trù dập cá nhân.

Để học trò yêu thích Văn, trong tiết ngoại khóa khối 11 hồi tháng 10/2018, thầy Phạm Quốc Đạt cho học sinh xây dựng ngoại cảnh, sân khấu và diễn kịch một số tác phẩm văn học. Học sinh đã tái hiện các cảnh Xuân Tóc Đỏ và Tuyết ân ái, cảnh Tám Bính bị hãm hiếp.

Mới đây, video về những cảnh này xuất hiện trên mạng xã hội khiến dư luận phản ứng, gây ra tranh cãi trái chiều.

Ông Đạt hiện khiếu nại quyết định kỷ luật cảnh cáo thời hạn 12 tháng với mình, đồng thời kiện hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản ra tòa.

* Học sinh trong bài được đổi tên.

Theo PV (VnExpress.net)