Xã hội

HDV du lịch Trung Quốc tung hoành, còn HDV của ta đâu?

Nói đến du lịch, ngành công nghiệp không khói, là phải nhắc đến khách sạn - nhà hàng và hướng dẫn viên (HDV). 

Nói đến du lịch, ngành công nghiệp không khói, là phải nhắc đến khách sạn - nhà hàng và hướng dẫn viên (HDV). 

Một HDV người Hàn Quốc (bìa phải) hoạt động “chui” tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Theo tiếng Anh, HDV là tour guide, nghĩa là người hướng dẫn tour, dịch nôm na là HDV. Nhiệm vụ của HDV là thực hiện tour (của thiết kế là làm chương trình, của điều hành là tổ chức). 

Có thể nói đây là một trong những nghề khó nhất. Để làm tốt các chức năng trên, HDV phải có sức khỏe dẻo dai, có kiến thức và nghiệp vụ, hoạt ngôn, đam mê nghề, hiểu biết tâm lý, thường phải tác chiến độc lập…

Những HDV giỏi có thể làm quản lý, MC, nhà báo và nhiều lĩnh vực xã hội khác.

Cả tỉnh Bình Phước chỉ có... 2 HDV du lịch

Theo thống kê, tính đến 21-6-2016, cả nước có 9.920 HDV quốc tế phục vụ cho gần 8.000.000 lượt khách inbound và 6.000.000 khách outbound; 7.467 HDV nội địa phục vụ hơn 45.000.000 lượt khách.

Chỉ tính riêng số lượng là đã thiếu trầm trọng. Ước tính để phục vụ số lượng khách tương xứng, cần tối thiểu khoảng 25.000 HDV quốc tế và 50.000 HDV nội địa. Như vậy lượng HDV hiện tại chỉ mới đáp ứng 40% quốc tế và hơn 15% nội địa. 

Không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng mà còn mất cân đối trầm trọng về cơ cấu. Trong số 9.920 HDV quốc tế thì tiếng Anh 5.595, tiếng Hoa 1.586, tiếng Pháp 1.135, tiếng Nga 521, tiếng Nhật 512, tiếng Đức 412, tiếng Hàn 73…

Cơ cấu của các tỉnh thành càng phi lý. TP.HCM có 2.556 HDV quốc tế và 2.357 HDV nội địa. Số liệu này của Hà Nội là 2.819 và 1.303, Đà Nẵng là 1.353 và 931, Cần Thơ là 82 và 250, Quảng Ninh là 311 và 101, Lào Cai là 2.013 và 31… Cả tỉnh Bình Phước chỉ có 2 HDV nội địa.

So với 3 năm trước, nhiều tỉnh đã nỗ lực xóa nạn trắng HDV. Cơ cấu hợp lý là HDV nội địa phải gấp đôi HDV quốc tế.

Mỗi năm, cả nước có khoảng 50.000 sinh viên du lịch ra trường, trong đó hơn 60% là hệ đại học. Thống kê bỏ túi cho biết chỉ khoảng 1/3 sinh viên trung cấp và cao đẳng ra trường làm việc gắn với ngành học. Còn hệ đại học, nhiều trường chưa tới 5%. Một sự lãng phí ghê gớm.

Rất nhiều sinh viên hệ đại học ngành du lịch ra trường vẫn phải đi học thêm lớp HDV nội địa mới có thẻ hành nghề, trong khi luật quy định chỉ cần học 2 năm trung cấp chuyên ngành hoặc học ngành khác thì có 3 tháng nghiệp vụ là có thẻ.

Trách nhiệm này thuộc về Bộ Giáo dục - đào tạo và Tổng cục Du lịch. Hệ đại học thường đào tạo thập cẩm kiểu “Quản trị du lịch’’ và đủ thứ chuyên ngành, từ “Địa lý du lịch’’, “Môi trường du lịch’’, “Văn hóa du lịch’’ đến “Việt Nam học’’… Trong khi các công ty lữ hành chỉ cần HDV hoặc thiết kế hay điều hành tour.

Gần như trường đại học nào cũng đào tạo du lịch, tạo nên khủng hoảng. Thiếu cả người học lẫn người dạy nên phải hạ chuẩn, cả trò lẫn thầy. Sự lãng phí này làm khổ cả sinh viên - người học lẫn các công ty lữ hành - người sử dụng sản phẩm.

Quân ta còn làm hại quân mình bởi những quy định phi lý về tiêu chuẩn HDV. Quốc tế phải có bằng đại học còn nội địa chỉ cần phổ thông.

Về mặt nghiệp vụ, HDV đều có chuẩn chung. HDV quốc tế chỉ khác nội địa ở chuẩn trình độ ngoại ngữ. Hậu quả của cách làm cảm tính này là rất nhiều HDV có thẻ nhưng hành nghề kém hoặc không thể hành nghề. Trong khi nhiều người có kiến thức, nghiệp vụ và thông thạo ngoại ngữ lại không thể hành nghề vì chưa có bằng đại học nên không được cấp thẻ; kể cả nhiều sinh viên học cao đẳng ở nước ngoài về.

Tư duy quản lý còn bất cập trong việc cấp thẻ HDV. Đây là việc của các hiệp hội ngành nghề và các trường chứ không phải của nhà nước. Dòng chữ “International Tour Guide’’ trên thẻ HDV quốc tế của Việt Nam đã nói lên nhiều thứ bất cập. Kẻ viết bài này, dù là giáo viên dạy nghiệp vụ HDV hàng chục năm nhưng vẫn bị làm khó dễ khi xin cấp thẻ HDV vì chưa kinh qua lớp nghiệp vụ HDV của sở.

Về chất của HDV, cả nội địa lẫn quốc tế là chuyện nhức đầu khi nhiều HDV giỏi, tâm huyết, hết lòng với du khách nhưng số HDV chưa giỏi, thậm chí tiêu cực lại đông hơn.

Giải pháp phải làm

Giải quyết những bất cập của HDV theo tôi nên làm mấy việc sau:

1/ Ban hành quy chuẩn chung về đào tạo HDV. Do đặc thù nghề nghiệp, chuẩn học vấn phải là cao đẳng (nền kiến thức chung). Nếu học ngành nghề khác, phải có 4 - 6 tháng học nghiệp vụ (xã hội hay tự nhiên). Các trường trung cấp vẫn đào tạo các nghề khác trong ngành du lịch. Cũng nên ràng buộc giám đốc các công ty lữ hành phải có học vấn tương đương HDV trở lên.

3/ Giao việc cấp thẻ HDV cho Hiệp hội Lữ hành và các trường đào tạo, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý và giám sát. HDV là nghề, nên thẻ HDV có thể bị thu hồi nếu vi phạm hoặc 5 năm không hành nghề. Kiểm tra 5 năm một lần, để gia hạn, không cần cấp thẻ mới tốn kém. 

4/ Bỏ dòng chữ “International Tour Guide’’ trên thẻ HDV quốc tế (dễ hiểu lầm thẻ này do quốc tế cấp, hoặc HDV nói được đủ thứ tiếng). Thẻ HDV có mẫu chung, chỉ khác màu. Thẻ HDV quốc tế viết bằng tiếng Anh. HDV nước nào ghi nước đó. Ví dụ English Tour Guide. Thẻ HDV nội địa ghi bằng tiếng Việt.

5/ Thống nhất chương trình đào tạo HDV. Phương pháp và hình thức thì mỗi trường sẽ vận dụng nhưng phải đảm bảo chuẩn kiến thức và nghiệp vụ. Tăng tối đa thời gian thực hành, thực tập ngay năm đầu tiên.

10 chức năng của hướng dẫn viên du lịch

Theo các giáo trình giảng dạy hiện nay, HDV có 10 chức năng: 1/ Người dẫn đường. 2/ Thuyết minh tuyến điểm. 3/ Sắp xếp và thực hiện các dịch vụ theo chương trình. 4/ Xử lý các tình huống. 5/ Đại diện công ty. Từ thực tiễn bản thân, tôi muốn bổ sung thêm các chức năng của HDV. Đó là 6/  Phục vụ tự nguyện (khác với bắt buộc). 7/ Cung cấp kiến thức và thông tin. 8/ Hoạt náo. 9/ Bạn đường. 10/ Đại sứ nhân dân.

Trong đó qua thực tiễn, chức năng 4 và 7 là khó nhất và cụ thể nhất.


Theo Nguyễn Văn Mỹ (Tuổi Trẻ)