Xã hội

Hành hạ voi để làm trò tiêu khiển là phản cảm

Tổ chức Động vật châu Á (AAF) cho rằng, việc đánh đập voi để buộc chúng biểu diễn tại các sự kiện và các cuộc thi khác nhau là vi phạm quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Nguy hiểm rình rập từ voi

Tháng 12.2014, Công ty Xiếc - Hài kịch Bình Minh (tỉnh Thái Bình) đã đưa một con voi về xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil (Đăk Nông) để diễn xiếc. Tuy nhiên, khi con voi này đang được xích trên xe, để tại sân vận động trung tâm xã Đức Mạnh thì đã xảy ra một tai nạn đau lòng.

Lúc này, một số cháu bé đã đến gần và cho voi ăn. Một cháu bé 12 tuổi đã bị con voi dùng vòi quấn lấy và quật vào thành xe. Nạn nhân tử vong ngay sau đó. Con voi sau đó bị khống chế bằng xích và tiếp tục tỏ ra vô cùng hung dữ. Nói về hành động bất thường của con voi này, một lãnh đạo Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk cho rằng, có thể "nó đã cáu giận vì bị chọc tức trong lúc mệt mỏi".

Hành hạ voi để làm trò tiêu khiển là phản cảm
Hiện chỉ có 6 con voi được "tự do" khi tham gia vào mô hình du lịch thân thiện với voi. Ảnh:  D.H

Ở Việt Nam, việc voi nhà quật chết người có thể nói là khá hi hữu. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia châu Á, việc sử dụng voi trong các hoạt động giải trí gây ra thiệt hại về người xảy ra khá thường xuyên. AAF dẫn chứng, vào tháng 5.2018, một nài voi tại Ấn Độ đã bị voi giết chết tại đền Arulmigu.

Trước đó 1 tháng, cũng tại Ấn Độ, một nài voi khác cũng bị voi quật chết tại nhà thờ Masthan. Vào tháng 2.2018, một thầy tu ở Sri Lanka cũng bị voi giết chết; hướng dẫn viên Trung Quốc bị voi giết chết tại Thái Lan vào tháng 12.2017; du khách và nài voi bị voi húc tại Thái Lan vào tháng 1.2017; một phụ nữ tại Thái Lan bị con voi 2 tuổi húc chết ở bãi biển Maerampung.

Theo AAF, tại Hội voi Buôn Đôn năm 2019, có nhiều nguy cơ mất an toàn cho công chúng. Đó là việc cho phép người dân tiếp xúc tự do với voi (không có rào chắn) có thể gây nguy cơ cao mất an toàn.

Lễ hội là nơi thu hút rất đông khách và cho phép du khách đến gần voi đã đặt voi vào môi trường ồn ào và có khả năng gây căng thẳng cho chúng. Tình huống này khiến cho cả nài voi và cộng đồng có nguy cơ bị voi làm tổn thương hặc bị giết chết nếu một trong các cá thể voi trở nên sợ hãi. Khi voi bỏ chạy, chúng di chuyển tự do về hướng đám đông, có thể xô ngã nhiều người và có nguy cơ bị chúng giẫm lên.

Bạo lực với voi là phản cảm

Cũng theo AAF, việc sử dụng voi trong lễ hội truyền thống gây ra những chịu đựng không cần thiết cho voi. Voi bị các nài voi và người cưỡi voi hành hạ để ép buộc chúng biểu diễn cho công chúng. Với việc đưa chúng tham gia vào các hoạt động thi thố, muốn chúng mang về phần thưởng, các nài voi đã ép voi hoạt động vượt quá giới hạn. Chúng bị điều khiển bằng móc sắt hoặc các vật sắt nhọn để vào đúng vị trí và tư thế mong muốn. Trong một số trường hợp, việc điều khiển voi được thực hiện một cách hung hãn để buộc voi chạy hoặc bơi nhanh hơn.

AAF cho biết, việc dùng móc sắt để trừng phạt, buộc voi phải tuân theo hướng dẫn của nài voi đã gây tổn thương lớn về mặt thể chất đối với loài vật này. Ngoài ra, voi nhà thường được lắp bành trên lưng để phục vụ du lịch và chở khách khiến chúng không được thoải mái, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe…

Ngoài ra, theo AAF, tại điều 5 Nghị định 110/2108NĐ-CP ban hành ngày 15.10.2018 quy định: "Không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhận đạo của dân tộc Việt Nam". Do đó, việc voi bị các nài voi đánh đập buộc chúng biểu diễn tại các sự kiện là vi phạm Nghị định trên.

Nói về ý kiến này của AAF, ông Nguyễn Văn Hà -Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao - Du lịch tỉnh Đăk Lăk cho rằng: "Đương nhiên, hành động đánh đập voi tại các lễ hội là phản cảm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội, các nài voi buộc phải mang theo móc sắt để voi sợ. UBND tỉnh Đăk Lăk cũng đã chỉ đạo các nài voi hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng các hành động bạo lực đối với voi trong dịp lễ hội vừa qua". 

Theo Duy Hậu (Dân Việt)