Xã hội

Hai bệnh viện to có đất, có tiền mà xây mãi không xong

Hai dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 ở tỉnh Hà Nam đã dừng thi công 18 tháng nay. Dự án được giao đất sạch và hơn 3.200 tỉ đồng nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 2.000 tỉ đồng,

Hai bệnh viện to có đất, có tiền mà xây mãi không xong
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: T. CHUNG

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hôm nay 24-5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với 3 bộ có tiến độ giải ngân chậm nhất cả nước là Y tế; Văn hóa - thể thao và du lịch; Giáo dục và đào tạo. 

Tuy nhiên, nội dung buổi làm việc hầu hết tập trung vào việc chậm trễ giải ngân vốn cho các dự án xây dựng các bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế.

Cụ thể, ông Huệ cho biết số vốn đầu tư công trung hạn bố trí cho Bộ Y tế được giao 32.000 tỉ đồng nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án ngành y tế rất chậm.

Năm 2016 chỉ được 81% và năm 2017 được 54,7%. Riêng năm nay, tính đến hết tháng 4, mới chỉ đạt là 1,36% số vốn được giao. Đặc biệt, tỉ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài gần như bằng 0, tức là chưa xài được đồng nào.

Đáng chú ý, Phó thủ tướng lo ngại tiến độ triển khai 2 dự án bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam sẽ rơi vào danh sách các dự án thua lỗ ngàn tỉ như 12 dự án của ngành công thương.

Hai dự án xây dựng bệnh viện này, sau 3 năm triển khai, mới chỉ xong phần thô và đã dừng thi công 18 tháng nay mà không rõ nguyên nhân. Điều này cho thấy đây là một trong những điển hình yếu kém trong đầu tư xây dựng, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Báo cáo về triển khai 2 dự án trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết từ đầu năm 2014, Bộ Y tế đã tiến hành đấu thầu cho các gói thầu hai dự án này. Tổng số vốn đầu tư là 9.000 tỉ đồng. 

Tới ngày 10-5, dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã giải ngân được 76,66%, còn Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 mới giải ngân đạt 56% tổng vốn được giao.

Đến nay, hai dự án này đã chậm tiến độ 18 tháng và mới đây Bộ Y tế đã xin Chính phủ cho phép được kéo dài dự án tới hết năm 2019.

Về giao vốn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết đây là 2 dự án cấp thiết, quan trọng nên đã giao 3.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, về tình hình giải ngân, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết thấp hơn so với số liệu Bộ Y tế báo cáo, như dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 mới được 1.066 tỉ đồng và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 mới được 1.095 tỉ đồng. Như vậy, còn hơn 1.000 tỉ đồng chưa được giải ngân.

"Thực tế, nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn nên bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Nên Nhà nước tập trung toàn lực vào đây, giao đất sạch, tiền thì có sẵn thế mà không tiêu được. Nếu rơi vào tay tư nhân thì chắc chắn các dự án này xong lâu rồi. Nguyên nhân chính khiến giải ngân chậm là do khâu tổ chức thực hiện của Bộ Y tế", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Để hạn chế lãng phí nguồn lực, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Y tế xác định trách nhiệm của bộ trưởng, người đứng đầu ở các cấp của bộ này khi để giao vốn và giải ngân vốn đầu tư chậm, làm lãng phí nguồn lực đầu tư công. Bên cạnh đó, phải đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hai dự án này.

Ngoài 2 dự án bệnh viện trên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết Bộ Y tế còn 8 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong đó có 3 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư là Bệnh viện Nhi cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K.

Nếu ngày 31-10 mà Bộ Y tế chưa phê duyệt xong chủ trương đầu tư cho 3 dự án trên thì Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ kiến nghị Thủ tướng cắt vốn của 3 dự án này để điều chuyển sang các dự án khác.

Theo Lê Thanh (Tuổi Trẻ)