Xã hội

Hà Tĩnh: Nghi vấn nhà thầu 'rút ruột' công trình gần 100 tỷ đồng?

Thường xuyên vắng mặt trên công trường cả đơn vị tư vấn giám sát lẫn kỷ thuật của chủ đầu tư, chính điều này đang tạo điều kiện cho nhà thầu ngang nhiên “rút ruột” công trình.

Khi bị người dân, báo chí phản ánh thì chủ đầu tư cũng “bất lực” đứng nhìn. Điều này không những gây thất thoát hàng tỷ đồng tiền thuế, tiền ngân sách mà còn gây hệ lụy lâu dài đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng của công trình

Dự án Đường huyện lộ 19, đoạn qua xã Đức An, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) mới bắt đầu triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, điều này đang khiến người dân hết sức lo lắng, bất bình. Với một dự án được đầu tư gần 100 tỷ đồng mà quản lý lỏng lẻo, thi công cẩu thả, giám sát lơ là thiếu trách nhiệm.

Dự án này do UBND huyện Đức Thọ làm Chủ đầu tư, Đơn vị Tư vấn – Giám sát là Công ty CP TV Kỹ thuật và Xây dựng Sông La (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) và nhà thầu thi công là Công ty CP Xây dựng Hợp Lực (Hà Nội).

Với quy mô đầu tư xây dựng mới các tuyến đường với tổng chiều dài 11.344,49km bao gồm tuyến chính và 4 tuyến nhánh cùng tổng mức đầu tư gần 98 tỷ đồng; Trong đó chi phí xây lắp hơn 75 tỷ đồng. Công trình được triển khai từ tháng 6/2018, đến nay đã hoàn thành gần 6km đất nền và khoảng 1km kênh thoát nước (tuyến chính).

Theo như khảo sát thiết kế và dự toán công trình, điểm đất đã được khảo sát, lấy mẫu thí nghiệm đạt chuẩn để thi công dự án này là điểm đất thuộc quản lý của Cty TNHH Minh Hương (xã Đức An, huyện Đức Thọ). Tuy nhiên, trên thực tế nhà thầu lại cho sử dụng đất ở một điểm khác nằm trên địa bàn xã Đức Dũng.  (Thuộc quyền quản lý Công ty CP TV Kỹ thuật và Xây dựng Sông La, đây chính là đơn vị tư vấn giám sát chính cho dự án được chủ đầu tư thuê lại – PV).

Hà Tĩnh: Nghi vấn nhà thầu 'rút ruột' công trình gần 100 tỷ đồng?
Việc lấy điểm đất trái quy định đã khiến chất lượng nền đường không đảm bảo, hơn nữa làm thất thoát tài nguyên của nhà nước.

Với cái “bắt tay” tai hại này đã dẫn đến việc nền đường vừa lu lèn đã xuất hiện nhiều điểm bị sụt lún, cao su. Nguy hiểm hơn, sau khi xuất hiện những vết cao su chằng chịt chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát đã không có những biện pháp yêu cầu nhà thầu khắc phục kịp thời mà vẫn làm ngơ cho đơn vị thi công mặc sức thi công theo “tùy thích”. 

Hà Tĩnh: Nghi vấn nhà thầu 'rút ruột' công trình gần 100 tỷ đồng? - 1
Tự ý thay đổi loại đá từ 1x2 sang 2x4 để thi công.

Ở hạng mục nền đường, theo dự toán phải đào bóc hữu cơ với độ sâu 30cm, đánh cấp với bề rộng tối thiểu 1m đối với các vị trí có độ dốc ngang > 20%, lớp đất đồi đầm chặt K95, đối với tuyến chính và tuyến nhánh 2 và 3, nền đường dưới đáy áo đường đảm bảo độ đầm chặt K98. Và hơn 11km đường cần khoảng 400 – 500 nghìn khối đất đắp nhưng lại sử dụng nguồn đất không hợp pháp sẽ gây thất thu bao nhiêu tỷ đồng tiền thuế tài nguyên, và ai sẽ đứng ra ký quyết toán khi hàng trăm nghìn khối đất này không thể xuất được hóa đơn, chứng từ? 

Hà Tĩnh: Nghi vấn nhà thầu 'rút ruột' công trình gần 100 tỷ đồng? - 2
Sau khi lu lèn xuất hiện nhiều vết nứt cao su.

Trong quá trình thi công phần mương thoát nước, tình trạng “rút ruột” lại diễn ra một cách công khai trước sự chứng kiến của chủ đầu tư cũng như đơn vị tư vấn giám sát. Tại tuyến nhánh chính ở hạng mục kênh thoát nước dọc (Đoạn Km0 + 841,97 – Km1 + 358,17), nhà thầu sử dụng 100% đá 2x4 (loại B) để thay thế đá 1x2 (loại A) để trộn bê tông phục vụ công trình.

Lý giải về việc đang sử dụng loại đá gì thì ông Nguyễn Thanh Hải – Phó ban Quản lý XDCB huyện Đức Thọ trả lời một cách bối rối “đá này giờ cũng không biết là loại đá gì nữa”. Đến cả vị phó ban, đại diện cho chủ đầu tư cũng không hề biết về kích cỡ của loại đá đang được sử dụng, mặc dù đá 2x4 đang được dùng để trộn bê tông rõ như ban ngày.

Theo thiết kế, kết cấu kênh thoát nước sử dụng thép có tiết diện phi 10 được kết cấu với nhau bằng thép buộc đạt khoảng cách A20 (khoảng cách 20cm) nhưng nhà thầu lại cố tình nới rộng khoảng cách từ A20 thành A25 – A30 (từ 20cm nới rộng thành 25 – 30cm). Như vậy, cứ mỗi 1 mét chiều dài và rộng, nhà thầu lại “rút ruột” từ 1 đến 2 thanh thép, khiến tuyến mương vừa không đảm bảo đúng kết cấu, lại gây thất thoát một số tiền không nhỏ.

Hà Tĩnh: Nghi vấn nhà thầu 'rút ruột' công trình gần 100 tỷ đồng? - 3
Bớt thép bằng cách nới dài khoảng cách các đoạn từ 20cm lên 28cm

Việc thi công không cần bảng tỷ lệ cấp phối, sử dụng nước bùn đục trộn bê tông và đầm nén sơ sài đã dẫn đến việc mặt bê tông hai bên thành mương xuất hiện nhiều điểm rộ, rạn nứt. Ghi nhận của PV tại phần đáy mương nước, bùn non không được vệ sinh sạch khi bê tông được đổ xuống mọi thứ trộn lẫn vào nhau khiến cho việc nhận ra đâu là bê tông đâu là bùn non là rất khó.

Chứng kiến những gì đang diễn ra tại công trường, những hộ dân ở thông Hạ Tiến đã tổ chức họp bàn và làm đơn gửi lên chủ đầu tư cũng như nhà thầu, đề nghị xem xét, chỉnh đốn 1 số vấn đề trong thi công. Tuy nhiên, những ý kiến đóng góp của người dân đã bị bỏ ngoài tai.

Hà Tĩnh: Nghi vấn nhà thầu 'rút ruột' công trình gần 100 tỷ đồng? - 4
Đáy mương còn nước và bùn non không được vệ sinh sạch.

Ông  Cao Văn Phúc, một người dân thôn Hạ Tiến (xã Đức An) dẫn chúng tôi đến những điểm nứt nẻ, yếu kém của công trình rồi bức xúc cho biết : “Một dự án cả trăm tỷ đồng nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy sự có mặt của giám sát, nhà thầu thi công không chừa lối thoát nước, người dân chúng tôi phải tự đục lỗ cho cây chuối vào để làm lổ thoát, có những đoạn mương làm xong bị nứt vỡ, thậm chí có đoạn bị nghiêng, bị đổ nhưng nhà thầu lại khẩn trương lấp đất xuống để che đậy”.

Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hải – Phó ban Quản lý XDCB huyện Đức Thọ thì được biết: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại vật liệu đầu vào, số đá không đạt tiêu chuẩn chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu đưa ra khỏi khu vực thi công và thay vào loại đá theo đúng quy định”.

Giám sát là một trong những mấu chốt để đảm bảo chất lượng cho công trình. Tuy nhiên, việc thường xuyên vắng mặt, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát và đôn đốc nhà thầu thi công theo đúng thiết kế, những điều này đồng nghĩa với việc đang “tiếp tay” cho nhà thầu “bớt xén” công trình, đẩy dự án vào nguy cơ kém chất lượng. Với việc bỏ ra hàng tỷ đồng để thuê một đơn vị giám sát thiếu trách nhiệm như thế này liệu có đáng đó là điều mà người dân đang hết sức băn khoăn.

Hà Tĩnh: Nghi vấn nhà thầu 'rút ruột' công trình gần 100 tỷ đồng? - 5
Người dân thôn Hạ Tiến, xã Đức An đang hết sức bất bình và lo lắng cho chất lượng của công trình.

Một dự án lên đến hàng trăm tỷ đồng cần một BQL đủ trách nhiệm, đủ bản lĩnh để đưa công trình đi đến cái đích xứng đáng với số tiền lớn đã bỏ ra. Thế nhưng, những gì mà BQL Dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Đức Thọ đang làm đang khiến dư luận hoài nghi. Đề nghị UBND huyện Đức Thọ sớm có những ý kiến chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời tình trạng nói trên để người dân yên tâm rằng dự án sẻ được thực hiện theo đúng dự toán và thiết kế đề ra.

Theo An Yên- Thành Văn (Thời Báo Doanh Nhân)