Xã hội

Hà Nội: Xe cứu hoả hú còi liên tục, các phương tiện phía trước ung dung không nhường đường

Đám cháy nếu có lớn hơn thì nguyên nhân một phần cũng do những người tham gia giao thông có ý thức kém.

Đám cháy nếu có lớn hơn thì nguyên nhân một phần cũng do những người tham gia giao thông có ý thức kém.

Theo những hình ảnh ghi lại trong clip. Mặc dù xe cứu hoả đi sát phía sau, hú còi liên tục để được nhường đường. Nhưng các phương tiện đi trước vẫn thản nhiên như không biết dù ở thời điểm đó đường khá vắng xe.

Được biết, những hình ảnh này được ghi lại tại khu vực đường Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Chiếc xe chữa cháy đi theo sau hú còi xin đường một quãng dài. Bắt đầu từ đầu cầu diễn đến tận ngã tư Nguyễn Cơ Thạch - Cầu Diễn thì những chiếc xe ôtô đi phía trước mới chậm chạp nhường đường.

Clip ghi lại sự việc. Nguồn FB

Sự việc sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận phải khá nhiều ý kiến bất bình từ dư luận. bởi lẽ thiếu ý thức nhường đường cho xe ưu tiên là tình trạng chung phổ biến của người tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay.

Chúng ta chưa xây dựng được ý thức, văn hoá về việc nhường đường xe ưu tiên như cứu hỏa, cấp cứu, công an… Điều này không chỉ vi phạm về pháp luật mà còn vi phạm về đạo đức. Sẽ có nhiều căn nhà bị cháy to hơn, nhiều người có thể bị thương nặng hơn vì xe chữa cháy, xe cứu thương không đến kịp giờ.

Hãy cùng xem cách người nước ngoài nhường đường xe ưu tiên dưới đây. Chỉ cần nghe còi ưu tiên từ xa, các xe tự động dạt sang một bên:

Khi xe ưu tiên đi tới, hàng trăm chiếc xe khác tự động dạt sang hai bên đường nhường lối đi ở giữa.

Theo quy định mới nhất về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ được quy định rất chặt chẽ.

Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô, mức phạt sẽ từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, được quy định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 5.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng, được quy định tại Điểm b, Khoản 12, Điều 5.

Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên, đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng theo Điểm đ, Khoản 5, Điều 6.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng theo Điểm c, Khoản 12 Điều này. Nếu hành vi vi phạm này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng, được quy định tại Điểm c, Khoản 12, Điều này.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt cho hành vi trên sẽ từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, được quy định tại Điểm h, Khoản 4, Điều 7.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung nếu gây ra tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (Khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 đến 4 tháng (Theo Điểm b, Khoản 9, Điều 7)

Theo Người Đưa Tin

Theo Đỗ (Saostar.vn)