Xã hội

Hà Nội nêu hai phương án xử lý nhà 8B Lê Trực

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay, nếu cắt dọc sẽ ảnh hưởng đến kết cấu toà nhà, còn việc cắt ngang phải thoả thuận với chủ đầu tư.

Tại giao ban báo chí thành uỷ Hà Nội chiều 21/11, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết thành phố đang cùng Bộ Xây dựng rà soát hai phương án xử lý phần sai phạm của nhà 8B Lê Trực, quận Ba Đình.

Hà Nội nêu hai phương án xử lý nhà 8B Lê Trực
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung. Ảnh: Võ Hải.

Theo ông Trung, thành phố hứa với Chính phủ hoàn thành phương án phá dỡ giai đoạn hai trong tháng 10, nhưng có khó khăn về mặt kỹ thuật nên chưa đưa ra được phương án cuối cùng.

Hà Nội đã đề nghị Bô Xây dựng hỗ trợ. Ngày 16/11, Bộ xây dựng có văn bản hồi âm, giao nhiệm vụ cho Cục giám định nhà nước phối hợp với Viện khoa học xây dựng thuộc Bộ rà soát các phương án. Song song đó, thành phố cũng chủ động làm việc với hai đơn vị khác, mời thêm chuyên gia về kết cấu công trình để cùng rà soát.

Có hai phương án phá dỡ cho giai đoạn được đưa ra. "Nếu theo phương án cắt dọc toàn bộ công trình sẽ ảnh hưởng kết cấu, nếu dùng phương án cắt ngang sẽ đơn giản hơn nhưng phải thoả thuận với chủ đầu tư. Việc xử lý làm rất thận trọng vì nếu sai sót sẽ vướng về sau", ông Trung nêu.

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thành phố không chỉ xử lý số tầng vi phạm mà xử lý cả phần sai phạm diện tích, chiều cao công trình nhà 8B Lê Trực.

Hà Nội nêu hai phương án xử lý nhà 8B Lê Trực - 1
TP Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đang rà soát hai phương án xử lý giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực. Ảnh minh hoạ: Võ Hải.

Phương án cắt ngang công trình cũng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình ngày 12/10. Theo ông Chung, các chuyên gia cho rằng việc xử lý phần giật cấp sẽ không đảm bảo an toàn cho toà nhà. Thành phố đang kiến nghị theo hướng cắt bớt tầng để đảm bảo đúng chiều cao trong giấy phép xây dựng, đảm bảo mật độ xây dựng.

Trước đó, tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội về quản lý xây dựng, đô thị ngày 16/8, ông Nguyễn Đức Chung nhận trách nhiệm chậm xử lý sai phạm tại công trình này và lý giải nguyên nhân do cân nhắc an toàn cho toà nhà, cho người dân sinh sống sau này.

Hà Nội nêu hai phương án xử lý nhà 8B Lê Trực - 2
Tòa nhà Lê Trực xây khác giấy phép như thế nào?

Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái.

Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.

Tháng 11/2015 TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại nhà 8B Lê Trực, gần một năm sau thì hoàn thành giai đoạn một.

Theo Võ Hải (VnExpress.net)