Xã hội

Hà Nội khẳng định doanh nghiệp không đứng sau vụ chặt cây

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, “dư luận cho rằng số tiền lên đến hàng trăm tỉ sau khi bán gỗ là không có cơ sở. Toàn bộ số gỗ, củi thu được hiện chưa bán. Toàn bộ số tiền thu được sau khi đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước...”.

 
 Sở Xây dựng Hà Nội ngày 25-3 đã có văn bản trả lời các câu hỏi của báo chí trong buổi họp báo cuối tuần qua.
 
Trong đó, giải thích về việc chặt cây với số lượng lớn dựa trên căn cứ nào, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết việc cải tạo, thay thế cây xanh căn cứ trên cơ sở Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được HĐND TP quyết nghị thông qua, UBND TP phê duyệt tại Quyết định 1495/QĐ-UBND ngày 18-3-2014; Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước TP đến năm 2015 số 134/KH-UBND ngày 16-8-2013 và Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14-5-2010 của UBND TP Ban hành Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn TP.
 

Hàng cây mới trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh - ảnh: NGUYỄN QUYẾT

“Từ tháng 11-2014 đến đầu năm 2015, triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 8 tuyến phố. Trong đó: di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông; trồng thay thế và bổ sung 489 cây” - văn bản trả lời nêu.

Với nhóm câu hỏi xung quanh việc trồng cây vàng tâm trên đường Nguyễn Chí Thanh liệu có thích hợp, Sở Xây dựng trả lời: “Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển (...) Trên thực tế, cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội”.

Sở Xây dựng cũng cho hay các đơn vị cung ứng cây là các đơn vị có loài cây phù hợp với quy định của TP về chủng loại, chất lượng. Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiệm thu đảm bảo theo đúng quy định. Việc cải tạo, thay thế cây không phải dự án. Đây là việc làm thường xuyên, hằng năm theo kế hoạch nên việc thực hiện tới đây phải tuân thủ theo đúng quy định

Về việc dư luận cho rằng các doanh nghiệp đứng sau việc chặt cây, Sở Xây dựng khẳng định hưởng ứng việc xã hội hóa công tác cải tạo, thay thế cây xanh của TP, các doanh nghiệp đã tự nguyện ủng hộ, hỗ trợ TP trong việc trồng mới cây xanh trên một số tuyến đường. “Dư luận cho rằng có việc doanh nghiệp đứng sau việc chặt cây vừa qua là không đúng. Số tiền lên đến hàng trăm tỉ sau khi bán gỗ là không có cơ sở. Toàn bộ số gỗ, củi thu được hiện tập kết tại kho của các đơn vị, hiện chưa bán, toàn bộ số tiền thu được sau khi đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định” - Sở Xây dựng cho biết.

Cũng theo Sở Xây dựng, số lượng gỗ, củi chặt hạ trong đợt cải tạo thay thế cây xanh vừa qua đã được kiểm đếm, xác định khối lượng và tập kết tại kho của các đơn vị. Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức xác định giá. Các cây có giá trị sẽ được tổ chức đấu giá theo quy định. Kinh phí đánh chuyển, chặt hạ cây được thực hiện theo đúng định mức, đơn giá và sẽ được quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
 
>> Đình chỉ 3 cán bộ liên quan vụ chặt cây tại Hà Nội
>> Hà Nội báo cáo Thủ tướng đề án thay thế 6.700 cây
>> Hé lộ nguồn gốc cây xanh trồng mới ở Hà Nội
>> Bí thư Hà Nội: Vụ cây xanh không thể xử lý "hòa cả làng"
>> Chỉ có 70-80% số cây chuyển từ phố Nguyễn Chí Thanh về vườn ươm sống được
 
Theo Thùy Dương (Nld.com.vn)