Xã hội

Hà Nội đề xuất tăng phí lòng đường, hè phố gấp 3 lần: Có thuyết phục?

Trước việc Hà Nội đề xuất tăng phí sử dụng lòng, hè đường lên cao nhất gấp 3 lần, nhiều ý kiến cho rằng tăng phí để tăng doanh thu ngân sách là chưa thuyết phục.

Ủng hộ các giải pháp quản lý đô thị, trong đó có trật tự lòng đường, vỉa hè, có cả việc tăng phí để phục vụ cho công tác quản lý, tuy nhiên qua xem văn bản đề xuất và các mục tiêu kèm theo, nhiều đại biểu được Ủy ban Mặt trận tổ quốc Hà Nội tổ chức lấy ý kiến cho rằng, mục tiêu vẫn chưa rõ ràng, thuyết phục.

Hà Nội đề xuất tăng phí lòng đường, hè phố gấp 3 lần: Có thuyết phục?
Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố Hà Nội cần tăng vai trò quản lý Nhà nước chứ không phải tận thu . 

Một số đại biểu cho hay, thành phố và nhiều cơ quan ban ngành mất nhiều công sức, thời gian ra quân “dành” lại vỉa hè, lòng đường. Vậy sau khi lòng đường, vỉa hè dành lại phải sử dụng cho đúng chức năng, mục đích nếu cho thuê để thu phí thì chưa thuyết phục.

“Trong mục tiêu tăng phí, lãnh đạo thành phố ít ra phải giải nghĩa rõ ràng vỉa hè, lòng đường như thế nào thì được cho thuê để trông giữ xe hay phải sử dụng đúng chức năng là giao thông, đi lại”, PGS.TS Nguyễn Quang Đạo, nguyên trưởng khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng nói. 

Còn Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đưa ra ba lý do mà ông cho rằng, đề xuất chưa thuyết phục.

Cụ thể, thứ nhất việc hạn chế xe cá nhân thành phố đã có cả một đề án đã được thông qua do vậy đề xuất không cần phải đặt mục tiêu đầu tiên là hạn chế xe cá nhân. Thứ hai, thành phố đang hướng đến hạn chế xe cá nhân nhưng trên nhiều tuyến phố trung tâm vẫn có những điểm đỗ xe được thành phố cho thuê mặt bằng, tạo thuận lợi cho người đi xe cá nhân. Thứ ba, mục tiêu tăng phí là nhắm vào tổ chức trông giữ xe, vào người dân (bị tăng giá) để tăng ngân sách thành phố.

Hà Nội đề xuất tăng phí lòng đường, hè phố gấp 3 lần: Có thuyết phục? - 1
Tình trạng điểm trông xe chặt chém và vi phạm biển cấm như thế này đang diễn ra trên nhiều tuyến phố Hà Nội.

Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, lòng đường, vỉa hè là những công trình công ích, đối tượng phục vụ là nhân dân, không thể xem đây là loại hình dịch vụ để kinh doanh hoặc tăng phí. Để quản lý tốt vỉa hè có nhiều giải pháp chứ đâu nhất thiết cứ phải tăng phí như đề xuất của lãnh đạo thành phố. Trường hợp có tăng phí đi nữa thì có ai dám cam kết sau đó các vi phạm trật tự đô thị, chặt chém giá sẽ giảm.

“Để chia sẻ và giảm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, năm 2017 các Bộ ngành, địa phương sẽ không bàn đến việc tăng thuế, phí. Vậy UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè gấp 3 lần liệu có đi ngược chỉ đạo trên?”, ông Tuyến đặt câu hỏi.

Có nhiều ý kiến muốn “chất vấn” trực tiếp với đại diện UBND TP Hà Nội, trong đó có một số ý kiến cần làm ngay đối với lòng đường, vỉa hè Hà Nội hiện nay là lãnh đạo UBND thành phố thực hiện vai trò quản lý Nhà nước cho tốt.

Phải làm sao “dẹp” được nạn lấn chiếm làm bãi xe lậu, chặt chém giá vô tội vạ, rồi mới tính đến tăng giá, tận thu. Đã là vỉa hè, lòng đường thì phải được sử dụng chức năng là dành cho giao thông, đi lại. Sau đó, với những tuyến đường, vỉa hè còn đủ rộng thì mới cho thuê lại, tuy nhiên giá thuê cũng phải trên hoạt động công ích.

“Đây là những nội dung rất cần được thông tin rõ trong đề xuất để nhân dân hiểu, chia sẻ, tuy nhiên trong các mục tiêu, cơ sở để tăng phí lòng đường, vỉa hè vừa qua không thấy lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đề cập đến các vấn đề này”, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nêu thực tế đề xuất.

Theo đề xuất tăng phí sử dụng vỉa hè, lòng đường do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký gửi Thường trực Thành ủy, đưa ra phương án, phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ ôtô tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm), trong đó có phố Nguyễn Xí, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Hàng Ngang, Hàng Đào… được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đề xuất tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng (gấp 3 lần hiện nay).

Lòng đường, hè phố các tuyến còn lại của quận Hoàn Kiếm và các tuyến phố nằm trong khu vực đường vành đai 1 được tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng; Lòng đường, hè phố các tuyến nằm trong đường vành đai 2, vành đai 3 tăng từ 45.000 đồng - 60.000 đồng lên từ 60.000 đồng – 80.000 đồng/m2/tháng.

Phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ xe máy tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm) tăng từ 45.000 đồng lên 135.000 đồng/m2/tháng; khu vực từ đường vành đai 1 đến vành đai 3 có mức tăng 45.000 đồng đến 90.000 đồng/m2/tháng…

Ngày 14/11, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến đại diện các tổ chức xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn. Tại đây, thay mặt lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, ông Thái Dũng Tiến, Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Nội (thành viên xây dựng đề xuất) đã nêu 5 mục tiêu tăng phí.

Cụ thể, thứ nhất: nhằm hạn chế phương tiện cá nhân; thứ hai là giảm vi phạm của các tổ chức trông giữ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; thứ ba là ăng thu thu cho ngân sách nhà nước (thông qua phí, thuế...); thứ tư là tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe hiện đại; thứ 5 là việc triển khai ứng dụng điểm đỗ xe thông minh - Iparking trong thời gian vừa qua đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân. 

Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)