Xã hội

Hạ cao độ tuyến đường "biến" nhà người Sài Gòn thành hầm

Để dự án chống ngập không "biến" hàng trăm căn nhà trên đường Kinh Dương Vương thành hầm, TP HCM đồng ý hạ cao độ và đầu tư trạm bơm tại đây.

 
Để dự án chống ngập không "biến" hàng trăm căn nhà trên đường Kinh Dương Vương thành hầm, TP HCM đồng ý hạ cao độ và đầu tư trạm bơm tại đây.

Ông Khoa yêu cầu các đơn vị liên quan phải giải thích kỹ phương án hạ độ cao, lấy ý kiến người dân, chính quyền địa phương. "Tôi muốn có một giải pháp tốt nhất để phục vụ người dân", ông Khoa nói.

ha-cao-do-tuyen-duong-bien-nha-nguoi-sai-gon-thanh-ham

Sau chỉ đạo của UBND TP HCM, vỉa hè trước nhà người dân trên đường Kinh Dương Vương sẽ thấp hơn vạch sơn đỏ 35 cm. Ảnh: Ngọc Hậu

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM (chủ đầu tư) cho biết, dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương chia làm 3 gói thầu, hiện đã gần hoàn tất 2 gói nên chỉ có thể giảm độ cao vỉa hè xuống 10 cm. Gói thầu còn lại thay vì xây cao độ 2 m như thiết kế ban đầu, các đơn vị liên quan sẽ hạ cao độ vỉa hè xuống 35 cm và hạ tim đường xuống 25 cm. Phương án này đã được lấy ý kiến người dân và có hơn 50% đồng tình.

Theo chủ đầu tư, cao độ đoạn đường này chỉ còn 1,65 m - tức là thấp hơn mức triều cao nhất (1,68 m). Do vậy, khi mưa lớn kết hợp triều cường thì khu vực này phải cần trạm bơm công suất 42.000 m3 mỗi giờ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện UBND quận Bình Tân cho rằng, do chủ đầu tư đưa ra ít phương án nên người dân phải chọn một cái chấp nhận được với tình hình hiện tại. "Mặc dù người dân chưa hài lòng với phương án này nhưng mục đích của mọi người là muốn dự án mau chóng hoàn thành để họ ổn định cuộc sống", đại diện UBND quận Bình Tân nói.

Theo ông Lê Văn Khoa, đường làm rồi mà phải hạ xuống sẽ rất lãng phí nhưng nếu việc này vẫn đảm bảo kỹ thuật và thuận lòng dân thì phải làm. Thành phố không ngại tốn kém để bố trí trạm bơm phục vụ người dân vì khi hệ thống kiểm soát triều hoàn tất sẽ rút trạm bơm phục vụ nơi khác. "Đề xuất trạm bơm là tạm thời để giải quyết ngập nhưng nếu nó không hiệu quả thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm", Phó chủ tịch UBND TP HCM nói.

Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) có chiều dài 3,5 km, rộng 48 m với tổng mức đầu tư 730,5 tỷ đồng. Cao độ hoàn chỉnh mặt đường được nâng lên từ 0,4 đến 1,2 m đã dẫn đến nhà ở và công trình xây dựng dọc tuyến đường thấp hơn vỉa hè 0,6-1 m. Dự án đã ảnh hưởng đến 466 căn nhà; một bệnh viện; 64 doanh nghiệp; 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp; 44 tuyến đường, hẻm kết nối với đường này và các khu dân cư dự án nhà ở tiếp giáp.

Theo Ngọc Hậu (VnExpress.net)