Xã hội

Giỡn mặt với tử thần khi tự ý xây hầm biogas

Sau vụ ngạt khí hầm biogas khiến 3 người chết thảm ở xã Gia Xuyên (Gia Lộc, Hải Dương), nhiều người mới giật mình cảm thấy họ đang “trêu đùa” với tử thần sau khi tự ý xây hầm biogas không đúng tiêu chuẩn.

Sau vụ ngạt khí hầm biogas khiến 3 người chết thảm ở xã Gia Xuyên (Gia Lộc, Hải Dương), nhiều người mới giật mình cảm thấy họ đang “trêu đùa” với tử thần sau khi tự ý xây hầm biogas không đúng tiêu chuẩn.

Những ngày này, đến thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, đâu đâu người dân cũng kể đến sự việc 3 người con của bà Tăng Thị Mơ với một sự hãi hùng trước tai họa hầm biogas mang đến.

Như đã thông tin, vào khoảng 21h tối 10.5, tại thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc (Hải Dương) xảy ra vụ tai nạn thương tâm dưới hố biogas khiến 3 anh em ruột Tăng Văn Đượm (SN 1983), Tăng Văn Đươm (SN 1985) và Tăng Văn Đới (SN 1989) tử vong tại chỗ.

gion mat voi tu than khi tu y xay ham biogas hinh anh 1

Hiện trường 3 anh em ruột tử vọng sau khi ngộ độc khí độc do hầm Biogas gây nên.

Ghi nhận tại hiện trường của PV cho thấy, hầm biogas được xây dựng “hạ thổ” trong khuôn viên chuồng nuôi gần 10 con lợn của gia đình bà Mơ, các đường ống sơ sài lộ thiên phía trên được nối với hệ thống xả thải của chuồng lợn qua một bình lọc dẫn vào khu bếp rất thiếu khoa học.

Ông Tăng Văn Quyên (46 tuổi) – cậu của 3 nạn nhân, cho biết: Hầm biogas này do các cháu ông và một số thợ quen biết xây để tận dụng nguồn phân lợn trong quá trình nuôi. Trong quá trình xây hầm, do chủ quan không tìm hiểu hay nhờ sự tư vấn của các cơ quan chức năng, 3 người đã tự ý mua gạch về tự thiết kế. Sau đó, hầm được xây bởi các thợ có tay nghề yếu kém kỹ thuật, chỉ xây một hầm chứa, không xây thêm bể nạp. Khi xây xong khoảng 3 tháng thì hầm biogas này bị tắc…”  - ông Quyên chia sẻ.

gion mat voi tu than khi tu y xay ham biogas hinh anh 2
gion mat voi tu than khi tu y xay ham biogas hinh anh 3

Gia đình các nạn nhân bị ngạt khí biogas.

Ông Nguyễn Hữu Thủy, Giảng viên chuyên ngành môi trường – Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên một phần là do thợ xây hầm chứa biogas chưa được đào tạo qua trường lớp hoặc khóa tập huấn chuyên sâu về kiến thức xây dựng. Nếu phối trộn vữa xi măng không đúng tỷ lệ, sử dụng vật liệu xây dựng không đảm bảo chất lượng hoặc làm sai quy trình kỹ thuật, trong quá trình sử dụng, chất liệu xi măng và gạch tiếp xúc lâu ngày với chất thải chăn nuôi có thể bị axit ăn mòn. Thậm chí ở những nơi có nền đất yếu, phần nền rất dễ bị lún làm hầm rạn nứt, dẫn đến rò rỉ gas.

Không nên tự ý xử lý khi gặp sự cố

Ngày 12.5, đại diện Phòng Cảnh sát Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết, qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nguyên nhân khiến 3 nạn nhân tử vong khi sửa chữa hầm biogas ở xã Gia Xuyên (Gia Lộc) là do ngạt khí độc, chủ yếu là khí metan.

 

Các chuyên gia y tế nhận định, thủ phạm gây ngộ độc khí gas là ôxít cácbon (CO). Đặc tính của CO là không màu, không mùi, là sản phẩm của sự phân hủy các chất hữu cơ như phân, rác mục. Ở các hầm khí biogas, khí biogas được sinh ra khi xác động vật và các chất hữu cơ lên men trong điều kiện hiếm khí. Khí biogas gồm khoảng 60% mêtan (CH4), 40% carbonic (CO2) và dưới 1% H2S. Mêtan không màu, không mùi, làm cho khí biogas có thể cháy được, còn H2S thường chiếm tỷ lệ ít nhưng làm khí gas có mùi khó chịu.

Theo ông Nguyễn Phú Thụy - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương, khi hầm khí có hiện tượng đóng váng (màng sinh học dày lên) khiến khí lên ít, cần báo cho cơ quan chuyên môn xử lý. Nếu gia đình tự xử lý thì phải mở nắp hầm ủ khí một thời gian dài để khí mêtan bay hết, sau đó dùng gậy chọc phá màng sinh học, bơm nước vào để đẩy lớp váng ra. Sau khi chọc thủng lớp váng, phải chờ vài tiếng mới được mở nắp hầm. Tuyệt đối không tự xuống hầm ủ khí trong bất cứ trường hợp nào nếu không có sự kiểm tra và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Theo Thành An (Dân Việt)