Xã hội

Giật mình 'Hoa Đà tái thế', chữa ung thư bằng đài âm dương và rễ cây

Nắm bắt tâm lý có bệnh thì vái tứ phương của người bệnh, ông Nguyễn Văn Bần tự xưng có thể chữa cả bệnh nan y mà bệnh viện trả về. Khác với các thầy lang khác, thầy lang Bần quảng cáo ông có tài chữa cả trăm loại bệnh khác nhau chỉ bằng một thang thuốc!

Lang y chuyên trị bệnh bệnh viện đã trả về

Lần theo địa chỉ được đăng tải trên mạng xã hội kèm theo những lời giới thiệu về khả năng chữa bệnh ung thư của “thần y” Nguyễn Văn Bần (tên in trên tờ card là Bần Tức Phú, ngụ thôn Khuyến Thiện, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), PV báo Người Đưa Tin đã mục sở thị khả năng bắt bệnh, bốc thuốc “trăm người như một” của vị “thần y” này.

Đến đầu xã Lương Tài, chỉ cần hỏi thăm về thôn Khuyến Thiện, người dân nơi đây đã đoán được nơi đến của những “người lạ” như chúng tôi là nhà “thần y” Bần. Mặc dù nhiệt tình chỉ đường nhưng một người phụ nữ trung niên cũng không quên cảnh báo ông Phú không phải là “thần y” và không có khả năng chữa bách bệnh như nhiều người vẫn đồn thổi. Người phụ nữ này còn bật mí: “Người địa phương đến gặp thầy mà chẳng ai khỏi bệnh cả, dường như “bụt chùa nhà không thiêng”?”.

“Hôm trước trên mạng thấy nói có người bị ung thư giai đoạn cuối, di căn lên não, hạch trong phổi và cổ, đến thầy lang Bần cắt thuốc. Qua 3 tháng, người bệnh từ chỗ gầy gò, ốm yếu, chờ chết đã khỏi. Nhưng toàn xạo hết. Dân làng này thậm chí huyện này, có ai tới chữa bao giờ đâu vì toàn mấy lá cây từ đâu mang về, trăm bệnh đều một thang thuốc mà chẳng ai khỏi. Mà tới đây có ai bệnh viện trả về đâu, họ có bệnh thì tới thử chữa thôi”, chị H., người xã Lương Tài tỏ ra bức xúc trước những lời đồn thổi về khả năng chữa bệnh của vị này.

Còn chị M. ngồi ngay bên cạnh nói xen vào: “Không chỉ ung thư, ông lang này còn quảng cáo chữa được tai biến mạch máu não, liệt nửa người, viêm cầu thận... Có những bệnh nhẹ nhẹ thì cũng đỡ, nhưng đa phần là... không khỏi. Những trường hợp không khỏi là do đến thầy đã... quá muộn”.

Giật mình 'Hoa Đà tái thế', chữa ung thư bằng đài âm dương và rễ cây
Bài thuốc của "Hoa Đà tái thế".

Theo tìm hiểu của PV, gia đình “thần y” Bần vốn làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn. Sau này, ông Bần chuyển nghề xe ôm. Nhờ hành nghề xe ôm, ông Bần được mối khách ruột giới thiệu cho một lang y người dân tộc. Dần dà, ông Bần cũng học mót được một số ngón nghề và bén duyên với “nghiệp thuốc”.Khi được diện kiến “thần y” Bần, điều khiến PV bất ngờ là trong căn phòng nhỏ trưng bày rất nhiều các loại “cúp” vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng hay nhà hoạt động xã hội tiêu biểu; giấy chứng nhận danh y... nhưng lại không có giấy phép hành nghề.

Xung quanh chuyện hành nghề của ông Bần, có nhiều lời đồn đoán. Nghe nói trong một lần đi khám bệnh, vị lang y người dân tộc nọ đã mất ngay tại nhà người bệnh. Trước khi mất, ông này để lại cho ông Bần 1 cuốn sách cổ trong đó có những phương thuốc bí truyền chữa được nhiều bệnh lạ. Từ đó đến nay ông Bần hành nghề cứu giúp chúng sinh cũng đã ngót hơn chục năm. Trong khi lang Bần bắt bệnh, kê đơn thì vợ ông làm lễ xin thánh... Những người còn lại trong gia đình chia nhau mỗi người một việc, người thì bốc thuốc, người thu tiền...

Trăm loại bệnh một thang thuốc

Khi đến nhà ông Bần, PV chưa hết ngạc nhiên này đã đến bất ngờ khác. Bất kỳ ai nếu muốn chữa đều phải “qua cửa” bà Nguyễn Thị Hậu (vợ ông Bần), người bệnh phải xuống đền làm lễ. Xin được đài âm-dương, thầy mới khám, không được thì đành ra về. Bà Hậu cho hay, có nhiều người tới làm lễ, phải vài ba lần mới được “bề trên” đồng ý. Nhưng khi PV bịa ra tên, địa chỉ của một người bị mắc bệnh ung thư để bà Hậu xin lễ thì ngay lần xin đầu đã được “bề trên” đồng ý.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, bà Hậu còn kể, ”thầy” chuyên chữa trị các bệnh mà bệnh viện đã trả về, chữa nhiều nơi không khỏi. “Thầy” châm cứu bằng lá cây của người Hán cổ, dùng các cây thuốc nam, động vật quý như sừng động vật chế - ngà voi, tê giác... để thành thuốc uống.

Giật mình 'Hoa Đà tái thế', chữa ung thư bằng đài âm dương và rễ cây - 1
"Thần y" Bần đang kê đơn thuốc.

Lặn lội đường xa tới, anh Nguyễn Văn Nam (Thái Bình) bảo, anh đến lấy thuốc cho bố mình đang mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 3. “Có bệnh phải vái tứ phương, cứ nghe tin ở đâu có thầy tốt là chúng tôi tìm đến. Cũng theo thầy ngót 1 năm rồi nhưng hôm trước đưa bố đi chiếu chụp lại cũng không thấy có chuyển biến gì. Nhưng thầy lang Bần bảo phải kiên trì thì bệnh mới khỏi, không kiên trì, bỏ giữa chừng thì thành... công cốc nên chúng tôi vẫn đi cắt thuốc chỗ thầy với hy vọng, một ngày nào đó bệnh của bố tôi sẽ có chuyển biến”, anh Nam nói.

Đến lượt tôi “khai bệnh” của người thân. Cũng vẫn một cái tên của người thân được bịa ra với căn bệnh ung thư do PV “tự chế”, “thần y” Bần ghi ghi chép chép bằng thứ chữ ngoằn ngoèo để tạo ra một “bệnh án” có một không hai. Rồi “thầy” dặn đi dặn lại: “Nhớ là quyển ab, số xx. Lần sau tới cứ đọc như thế để lấy thuốc, không cần phải nói lại”.

Nói là phải nhớ số thứ tự nhưng thông tin PV nhận được thì... bệnh nào cũng chỉ một thang thuốc như thế. Đó là những thứ lá cây, rễ cây được bỏ trong gian phòng phía sau, với ngổn ngang xô nhựa.

Giật mình 'Hoa Đà tái thế', chữa ung thư bằng đài âm dương và rễ cây - 2
Thuốc của "thần y" Bần được đựng trong các xô nhựa xếp ngổn ngang.

Khi PV ngỏ ý muốn đưa người nhà tới để “thần y” trực tiếp bắt mạch, “thần y” gạt đi: “Không cần đâu, cháu nói thế là tôi biết bệnh rồi. Bệnh nó chỉ có thế, tới đây bắt mạch thì bệnh vẫn thế!?”.

Và cái giá cho những thứ “rễ cây” ấy cũng lên tới 220 nghìn đồng/thang. Cứ 2 ngày lại uống 1 thang. Người đưa thuốc chỉ đưa ra bấy nhiêu thông tin, cũng không chống chỉ định bất cứ thứ gì. Tính ra, trong 1 năm qua, anh Nam đã mua mất gần 40 triệu đồng tiền thuốc!

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Tài khẳng định, ông Bần chưa có chứng chỉ hành nghề y. Ông Hùng cho rằng ông Bần đã biết cách “lách luật” khi không treo biển hiệu ở nơi khám chữa bệnh. “Ông này luôn “ngụy biện” bằng cách mình không chữa bệnh mà chỉ giúp người. Dân ở đây có ai tin đâu, phần lớn là người địa phương khác đến”, ông Hùng nói.

Khi PV nhắc tới “tờ rơi” mà ông lang Bần thường đưa cho người bệnh trên đó có ghi rất rõ chữ “chuyên điều trị” chứ không phải “giúp người”, ông Hùng không nói gì. Vị Chủ tịch xã cũng thông tin thêm, măc dù ông Bần làm nghề này đã chục năm nay nhưng ở địa phương chưa thấy ai phản ánh chết người hay lừa đảo gì. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể thông tin đến báo chí”, ông Hùng cam đoan như vậy trước khi kết thúc buổi làm việc với PV. 

Theo N.Huệ - M.Hằng (Nguoiduatin.vn)