Xã hội

Giàn khoan Hải Dương 981 chưa xâm nhập biển Việt Nam

"Bất cứ khi nào giàn khoan của Trung Quốc di chuyển vào vùng biển Việt Nam, cảnh sát biển sẽ thông báo rộng rãi, phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh", thiếu tướng Thu nói.

"Bất cứ khi nào giàn khoan của Trung Quốc di chuyển vào vùng biển Việt Nam, cảnh sát biển sẽ thông báo rộng rãi, phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh", thiếu tướng Thu nói.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 14/5, khi được hỏi về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) tại Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, thông tin trên đã được Cảnh sát biển Việt Nam xác nhận.
 
Theo đó các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng ứng phó với những tình huống xảy ra trên biển.
 

Ông Ngô Ngọc Thu. Ảnh: Tùng Lê.

 
Trao đổi với chúng tôi, thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, lực lượng này luôn sát sao theo dõi, nắm bắt các thông tin, động thái hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981. Thiếu tướng Thu khẳng định, giàn khoan đang hoạt động ở ngoài vùng biển Việt Nam.

"Bất cứ khi nào giàn khoan của Trung Quốc di chuyển vào vùng biển Việt Nam, cảnh sát biển sẽ thông báo rộng rãi, đồng thời sẽ phối hợp với các lực lượng khác để có phương thức đấu tranh phù hợp, công khai trên tinh thần hòa bình", thiếu tướng Ngô Ngọc Thu nói.

Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan sẽ hoạt động từ ngày 6 đến 16/5, cách thành phố Tam Á ở tỉnh Hải Nam 75 hải lý về phía đông nam. Thông báo còn yêu cầu các tàu bè qua lại khu vực phải giữ khoảng cách 2 km đối với địa điểm trên để đảm bảo an toàn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh: P.V.

Cũng tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng về phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là nguyện vọng cũng như lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế - đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Sáng 14/5 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về các biện pháp bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông với sự tham gia của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear.

Phần lớn các nội dung của phiên điều trần đều xoay quanh hành động cũng như cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông mà các nghị sĩ và quan chức cao cấp Mỹ mô tả là khiêu khích, gây mất ổn định khu vực và ảnh hưởng tiêu cực đến các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
 
>> Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xuống Biển Đông

Theo Khánh An (Zing.vn)