Xã hội

Giám đốc Sở Giáo dục TP HCM: 'Chỉ người dân phát hiện trẻ bị bạo hành nhanh nhất'

Ông Lê Hồng Sơn thừa nhận khó khăn khi lấy chứng cứ các cơ sở mầm non bạo hành trẻ bởi "họ đóng cửa làm hại các cháu".

Chiều 30/11, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội, ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, trước vụ bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12) đã xảy ra một số trường hợp ở một số quận huyện khác.

Trước khi vụ việc được phát hiện, Phòng Giáo dục quận 12 hai lần kiểm tra Mấm Xanh nhưng không phát hiện bất thường.

"Việc kiểm soát còn khó vô cùng. Bởi khi đi kiểm tra phải bấm chuông, gõ cửa, sau đó họ đóng cửa lại bạo hành trẻ thì không thể nào phát hiện được. Lực lượng thanh, kiểm tra ngành giáo dục cũng còn mỏng và phải phụ thuộc vào kế hoạch kiểm tra của các quận huyện", ông Sơn nói.

Giám đốc Sở Giáo dục TP HCM: 'Chỉ người dân phát hiện trẻ bị bạo hành nhanh nhất'
Giám đốc Sở Giáo dục TP HCM Lê Hồng Sơn. Ảnh: Tuyết Nguyễn.

Theo ông Sơn, Sở Giáo dục đã nghĩ đến phương án lắp camera để phụ huynh có thể giám sát giáo viên, theo dõi trực tiếp con em mình. Nhưng phương án này chưa triển khai được do liên quan đến quyền về hình ảnh của trẻ em. Trên thực tế, các trường chính quy, tư thục có quy mô không xảy ra vấn nạn này mà chủ yếu xảy ra ở các lớp, nhóm nhỏ.

"Bạo hành xảy ra chủ yếu do con người, do đạo đức nghề nghiệp và nhân tính giáo viên khi cư xử với các cháu. Muốn phát hiện bạo hành nhanh nhất chỉ có người dân, không gì qua mắt được người dân. Nhà hàng xóm (đối diện, cạnh bên) và vai trò chính quyền địa phương, hội đoàn rất quan trọng", ông Sơn nêu quan điểm.

Trước báo cáo của lãnh đạo Sở Giáo dục, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành khẩn trương phối hợp, thực hiện các giải pháp, công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

"Trước đây thành phố có Ủy ban chăm sóc gia đình và trẻ em nhưng đã giải thể nên các giải pháp bảo vệ trẻ em không còn tập trung như trước. Qua những trường hợp bạo hành gần đây, các sở ngành tập trung nghiên cứu, đề xuất những giải pháp để chăm lo tốt nhất cho trẻ em", ông Phong chỉ đạo.

Phạm Thị Mỹ Linh quê Lâm Đồng, tốt nghiệp cao đẳng mầm non, mở cơ sở Mầm Xanh tại quận 12 từ tháng 9/2014. Nơi đây nhận giữ khoảng 30 trẻ 2-5 tuổi với mức phí 1,2 triệu đồng mỗi tháng. Cơ sở này còn có hai bảo mẫu không bằng cấp, chuyên môn.

Mỗi sáng nhận các cháu vào lớp, bà Linh và các bảo mẫu đều tươi cười niềm nở nhưng khi cha mẹ các bé đi khỏi, hoặc trong các bữa ăn, họ đánh trẻ tàn bạo. Nhiều bé bị tát vào mặt liên tiếp, bị doạ bằng dao, đập bình nhớt vào đầu... đến choáng váng.

Cảnh sát bắt bà Linh để điều tra hành vi Hành hạ người khác.

Theo Tuyết Nguyễn (VnExpress.net)