Xã hội

Gia đình "nữ sinh bị cưa chân" xin không đình chỉ bác sĩ

Ngày 19-6, ông Lê Văn Long (43 tuổi, ở thôn 3, xã Ea B’Hốk, Cư Kuin, Đắk Lắk), cha của Lê Thị Hà Vi, bị cưa chân do tắc trách của bệnh viện, xác nhận gia đình ông đã đề nghị không đình chỉ công tác các bác sĩ gây ra tai nạn cho Hà Vi.

 

Ngày 19-6, ông Lê Văn Long (43 tuổi, ở thôn 3, xã Ea B’Hốk, Cư Kuin, Đắk Lắk), cha của Lê Thị Hà Vi, bị cưa chân do tắc trách của bệnh viện, xác nhận gia đình ông đã đề nghị không đình chỉ công tác các bác sĩ gây ra tai nạn cho Hà Vi.

Hà Vi cùng bố mẹ và em trai tại nhà mình (ảnh chụp chiều 19-6) - Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Long nói gia đình ông có ý kiến như trên trong cuộc làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk mới đây. “Gia đình tôi không muốn chuyện qua rồi mà các bác sĩ bị xử lý quá nặng” - ông Long nói.

Theo ông Long, gia đình ông đã rút đơn tố cáo gửi cho Công an huyện Cư Kuin trước đó về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với kíp trực gây tai nạn cho Hà Vi.

Dần trở lại cuộc sống bình thường

Hơn ba tháng sau biến cố, cuộc sống gia đình ông Lê Văn Long đang dần trở lại bình thường. Ông Long chia sẻ: “Bây giờ gia đình tôi chỉ mong Vi ổn định cuộc sống, học tập, còn những gì các bác sĩ hứa thì mong hãy thực hiện. Chúng tôi là nông dân, chỉ biết tin vào những gì lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế đã nói chứ cũng 
chẳng biết làm sao!”.

Hà Vi vừa trải qua kỳ thi cuối năm học lớp 10 và đang nghỉ hè ở nhà. Sức khỏe của Hà Vi hiện ổn định. Vi kể tuy ở trường (Vi học cách nhà 30km - phóng viên) bài vở khá nhiều nhưng được thầy cô, bạn bè giúp đỡ nên Vi đã dần hòa nhập, có thêm nhiều bạn mới.

“Thỉnh thoảng em thấy hơi đau buốt ở chân nhưng không nghiêm trọng lắm. Việc mang chân giả hơi phức tạp và đau nên em vẫn sử dụng nạng gỗ” - Hà Vi nói thêm.

Trải lòng về con gái, bà Nguyễn Thị Lan (40 tuổi, mẹ của Hà Vi) chia sẻ: “Thấy con vui vẻ sau những mất mát quá lớn càng thương con hơn”...

Theo ông Long, Sở Y tế Đắk Lắk thông báo đã vận động được khoảng 200 triệu đồng từ cán bộ, bác sĩ ngành y tế nên hứa sẽ mở sổ tiết kiệm cho Hà Vi. “Cái chân giả hiện tại lắp vô, tháo ra rất phức tạp, gây mẩn ngứa, đau buốt. Còn muốn có chân giả loại tốt để cháu đỡ đau, không gây bất tiện phải mất từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, gia đình tôi không thể lo được” - ông Long nói.

Ông Long cho hay gia đình chưa nhận được kết luận thanh tra của Sở Y tế Đắk Lắk về trường hợp sai sót dẫn đến việc Hà Vi bị cưa chân. Tuy nhiên, gia đình có biết sơ lược nội dung qua bản dự thảo và thông tin trên báo chí.

“Hôm nghe dự thảo kết luận, chúng tôi chỉ nghe chứ cũng đâu hiểu gì. Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Bệnh viên Cư Kuin và lãnh đạo sở hứa sẽ chịu trách nhiệm, hỗ trợ Vi sau này nên gia đình tôi rất tin 
tưởng” - bà Lan nói.

Sẽ tăng cường hỗ trợ nhân lực cho tuyến dưới

Cùng ngày, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk tái khẳng định quy trình tiếp nhận, khám chữa bệnh cho Hà Vi tại Bệnh viện Cư Kuin là đúng.

Theo đó, bệnh nhân được tiếp nhận kịp thời, chu đáo và làm tất cả các cận lâm sàng cần thiết: xét nghiệm, X-quang, siêu âm. Ngoài ra, Hà Vi được chẩn đoán và xử trí ban đầu phù hợp, có hướng điều trị tích cực ngay từ đầu.

Ông Doãn Hữu Long - giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - giải thích thêm khi bệnh nhân có biểu hiện chèn ép khoang cấp đã được cắt bỏ bột và điều trị chống viêm, giảm phù nề. Khi có chỉ định phẫu thuật kết hợp xương, bệnh nhân được hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa và lãnh đạo bệnh viện. Diễn tiến nặng, vượt quá năng lực chuyên môn, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên có nhân viên y tế hỗ trợ suốt quá trình chuyển tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Long, “quy trình” có sai sót ở chỗ “hồ sơ ghi chép chưa đầy đủ, tỉ mỉ các dấu hiệu khám lâm sàng”. Trình độ chuyên môn của các bác sĩ hạn chế nên không tiên lượng được các biến chứng có thể xảy ra của bệnh.

“Ngoài ra, bác sĩ Y Tâm chưa được đào tạo chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình, nhưng do tình trạng thiếu nhân lực nên được chỉ định làm việc tại khoa ngoại là chưa phù hợp” - ông 
Long thông tin.

Về giải pháp hạn chế sai sót chuyên môn, ông Doãn Hữu Long cho biết sở sẽ bổ sung nhân lực cho các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt đối với các khoa, phòng, đơn vị đang quá tải.

Bên cạnh đó, theo ông Long, sở sẽ tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, đặc biệt đào tạo bác sĩ có chuyên khoa sâu; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tuyến trên đưa nhân lực về hỗ trợ tuyến dưới, tuyến dưới cử cán bộ lên tuyến trên học tập.

Tóm tắt diễn biến sự việc

* Ngày 6-3, em Lê Thị Hà Vi bị tai nạn giao thông và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày nên cho bó bột. Vi liên tục kêu đau nhưng các bác sĩ không đồng ý tháo 
bột kiểm tra.

* Ngày 10-3, bác sĩ cho tháo bột ra thì chân Vi đã sưng to. Gia đình xin chuyển viện nhưng không được.

* Ngày 11-3, gia đình chuyển Vi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, Vi được chẩn đoán bị hoại tử chân phải và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, tại đây Vi phải tháo bỏ gần hết 
chân phải.

* Chiều 17-3, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk họp báo nhận trách nhiệm về sự tắc trách của Bệnh viện Cư Kuin.

* Sáng 18-3, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm gia đình, hứa sẽ miễn phí toàn bộ kinh phí điều trị, lắp chân giả và phục hồi chức năng cho Hà Vi.

* Ngày 17-6, Sở Y tế Đắk Lắk kết luận và khẳng định “đội ngũ nhân viên y tế bệnh viện thăm khám, xử trí, chăm sóc theo quy trình” nhưng “có sai sót trong quá trình điều trị do chuyên 
môn hạn chế”.

 

Bản tin kết luận về vụ cưa chân của em Lê Thị Hà Vi “không vi phạm quy trình, nhưng có sai sót” (Tuổi Trẻ ngày 18-6) đã nhận hàng trăm phản hồi của bạn đọc. Hầu hết đều thể hiện sự bức xúc về nhận xét Bệnh viện Đa khoa Cư Kuin đã không vi phạm quy trình khám chữa bệnh. Xin trích đăng một ý kiến trong nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến:

Không thể đổ cho... đúng quy trình

Quy trình là gì mà trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những người mỗi khi làm việc tắc trách để xảy ra sự cố?

Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa: Quy trình là trình tự phải tuân theo để tiến hành một công việc nào đó. Như vậy, quy trình là một phương pháp cụ thể để thực hiện một quá trình hay một công việc và do đó nó thường được văn bản hóa.

Trong y khoa, mọi quá trình khám và chữa bệnh đều được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ: rửa tay đúng quy trình, tiêm thuốc đúng quy trình, truyền dịch đúng quy trình... Thế nhưng ai dám đảm bảo người tiêm thuốc không lấy nhầm thuốc, người truyền dịch không lấy nhầm dịch truyền bởi sai sót là điều rất dễ xảy ra.

Trong câu chuyện đau lòng của Hà Vi, nếu “đúng quy trình” vậy phải chăng bác sĩ nội khoa được phân công về khoa ngoại và điều trị ban đầu cho Hà Vi là đúng quy trình? Bác sĩ khám bệnh cho Hà Vi ngay tại phòng mổ mà không đánh giá được tổn thương của bệnh nhân cũng là... đúng quy trình?

Những tai biến trong khám chữa bệnh dù không ai mong muốn nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Áp lực trong khám chữa bệnh đè nặng lên vai người bác sĩ rất lớn. Nhưng dư luận khó thông cảm và cho qua khi những sự cố xảy ra bởi sự tắc trách và vô tâm của người thầy thuốc.

Nếu những sự việc dư luận bức xúc vừa qua đều được giải thích là đúng quy trình, vậy cái gì mới không đúng quy trình, phải chăng chính là quy trình 
không đúng quy trình?

VŨ TRUNG KIÊN

 
Theo Trung Tân (Tuổi Trẻ)